Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật: Vì tương lai tươi sáng của trẻ

Cập nhật: 29-10-2014 | 09:35:19

Con người sinh ra ai cũng muốn được lành lặn nhưng trong cuộc sống, đây đó vẫn còn những người phải chịu cảnh tật nguyền do bẩm sinh hoặc bệnh tật. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, trẻ khuyết tật nói riêng là một trong những trách nhiệm của toàn xã hội. Và chương trình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (TKT) là chương trình có tính nhân văn cao đã được Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm, tạo điều kiện chăm lo, giáo dục các em.

Giáo viên trường Tiểu học Lái Thiêu kèm cặp một HS khiếm thính. Ảnh: A.SÁNG

TKT đến trường

Thực hiện chương trình giáo dục hòa nhập TKT, nhiều năm qua, ngành giáo dục - đào tạo Bình Dương đã tiếp nhận trẻ vào học tại các trường phổ thông trong tỉnh. Riêng năm học này, toàn tỉnh có 400 TKT đang theo học. Chúng tôi đến trường Tiểu học Lái Thiêu (TX.Thuận An), đúng vào giờ ra chơi. Đây là ngôi trường có nhiều học sinh (HS) khuyết tật so với các trường khác. Nhìn các em đang tung tăng nô đùa, nếu không được giáo viên nhà trường giới thiệu, chúng tôi khó nhận ra những em khuyết tật đang vui chơi với các bạn. Cô Hồ Thị Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm nào trường cũng có khoảng 10 HS khuyết tật, đa số là HS khiếm thính, số còn lại là thiểu năng trí tuệ, tâm thần nhẹ, bị ảnh hưởng chất độc da cam.

HS của trường, ngoài những em là dân địa phương, còn có một bộ phận con em lao động ngoại tỉnh. Trình độ học tập của HS không đồng đều, sĩ số HS ở mỗi lớp trên 40 em, giáo viên càng thêm vất vả khi trong lớp còn có HS khuyết tật. Năm nay lớp 1.7, do cô Bùi Thị Oanh chủ nhiệm có 2 HS khuyết tật. Trong giờ học, sau khi đọc cho HS cả lớp viết, cô quay sang một HS khiếm thính kiên nhẫn đọc chậm từng chữ cho em viết bài. Rõ ràng, người giáo viên có tâm và trách nhiệm mới kiên trì dạy dỗ những HS này. Cô tâm sự, với HS khuyết tật giáo viên phải vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy phù hợp. Những em khiếm thính, dù mang máy trợ thính nhưng thính lực các em rất yếu, giáo viên hướng dẫn HS nhìn miệng cô phát âm đoán chữ; còn HS tự kỷ thì phải dỗ dành các em mới chịu học. Với những HS đặc biệt này, giáo viên thường xếp các em ngồi ở vị trí dễ quan sát để theo sát việc học của các em.

Trường THCS Phú Hòa (TP. Thủ Dầu Môt) cũng thường xuyên tiếp nhận HS khuyết tật ở Hội Người mù theo học hòa nhập. Theo thầy Trần Văn Chánh, Hiệu trưởng nhà trường, qua nhiều năm thực hiện giáo dục hòa nhập TKT, giáo viên của trường đã có kinh nghiệm giảng dạy HS khiếm thị. Giáo viên chủ nhiệm phân công HS giỏi trong lớp ngồi gần những HS khuyết tật để hỗ trợ thêm cho bạn học. Không chỉ chăm lo việc học cho các em, trường còn quan tâm hỗ trợ vật chất, tinh thần cho HS khuyết tật. Vào những dịp lễ, tết, cuối năm học, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, trường có những phần thưởng đặc biệt dành tặng các em. Từ sự chăm lo của nhà trường và xã hội, hầu hết những HS khuyết tật đều học giỏi.

Cánh cửa rộng mở

TKT thường có mặc cảm về số phận, hiểu để cảm thông, chia sẻ và dạy dỗ các em nên người là trách nhiệm của người thầy. Với những em bị thiểu năng trí tuệ, tâm thần nhẹ, ngoài dạy chữ cho HS, thầy cô còn dạy các em kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp. Cô Đỗ Thị Minh Kim, giáo viên trường Tiểu học Lái Thiêu, cho biết có những em khi mới vào lớp gặp người đối diện cứ như người vô cảm, nhưng nay đã biết lễ phép, chào hỏi người lớn. Từ môi trường giáo dục, một số em đã bộc lộ những năng khiếu, có năm các em còn tham gia thi thể dục thể thao, thi vẽ.

Tạo điều kiện và cơ hội cho người khuyết tật học văn hóa là chủ trương có tính nhân văn cao của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua đã có nhiều TKT vững bước vào đời nhờ được học hòa nhập. Đó là trường hợp của em Trương Thanh Tùng, một HS khiếm thị. Sau khi học hết chương trình tiểu học ở Hội Người mù tỉnh, em theo học hòa nhập ở trường THCS Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) và hiện đang học lớp 12 trường THPT An Mỹ. Từ ý chí vượt khó của bản thân, sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, em đạt thành tích học khá giỏi. Năm nay chương trình khá nặng nề, nhưng Tùng cố gắng khắc phục khó khăn để vượt qua bậc học THPT, làm hành trang để bước chân vào đại học.

Trường THPT Bến Cát (TX. Bến Cát) cũng là ngôi trường hàng năm tiếp nhận HS khuyết tật vào học. Thầy Ngô Thanh Đạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những HS khuyết tật vào học tại trường rất có ý chí và ham học. Các em vượt qua nghịch cảnh số phận để trở thành những HS khá giỏi, nhiều em thi đậu đại học, trở thành tấm gương hiếu học cho HS khác noi theo.

Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo:

Đối với HS khuyết tật, sở chỉ đạo các trường thực hiện việc khám chữa bệnh và phân loại thương tật đối với TKT. Trong lớp giáo dục hòa nhập có không quá 2 HS khuyết tật, sĩ số trong lớp có HS khuyết tật không vượt quá 30 em. HS khuyết tật được sự quan tâm chăm sóc của thầy cô và bạn bè, cùng tham gia các hoạt động giáo dục và học tập theo khả năng, việc đánh giá có chiếu cố cho phù hợp nhằm giúp các em từng bước thể hiện năng lực trong quá trình học tập.

 

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên