Giáo dục và dạy nghề ở ĐBSCL: Chờ thoát khỏi “vùng trũng”

Cập nhật: 10-09-2011 | 00:00:00

Hôm qua (9-9), tại Cần Thơ, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 1033) về phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến trăn trở về những cái yếu của GD-ĐT và dạy nghề trong vùng.

5 năm loay hoay đòi sự công bằng

Hơn 10 ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành, ngành GD-ĐT, dạy nghề tại hội nghị chủ yếu tập trung vào các tồn tại lâu nay của GD-ĐT và dạy nghề trong vùng. Trong đó, một số ý kiến lấy làm tiếc khi hội nghị này được tổ chức nhưng không có tổng kết đánh giá những kinh nghiệm về việc thực hiện QĐ 1033 của Thủ tướng cùng nội dung về phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010 (cũng được triển khai tại Cần Thơ năm 2006).

  Học sinh Việt kiều Campuchia về khai giảng năm học mới ở xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Hội nghị chỉ dành thời gian để triển khai QĐ 1033 của Thủ tướng về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn thư mời dự hội nghị một ngày nhưng ban tổ chức chỉ làm trong “buổi đứng”. Khi các ý kiến phát biểu gần đến 12 giờ trưa, ban tổ chức liên tục nhắc nhở thời gian.

Ngoài ta thán về những cái yếu nhất của GD-ĐT và dạy nghề ĐBSCL như căn bệnh trầm kha, những người đã từng tham dự hội nghị cách đây 5 năm khi triển khai Quyết định số 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng lại “đòi” sự công bằng trong đầu tư cho GD-ĐT ở ĐBSCL.

Ông Trương Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, đều cho rằng tỷ lệ đầu tư GD-ĐT vùng ĐBSCL phải tương đương với tỷ lệ dân số khoảng 22%.

“ĐBSCL chủ yếu dựa vào nghề nông. Người dân trong vùng đã làm nghĩa vụ sản xuất lương thực cho cả nước, còn nghèo. Về mặt đạo lý cả nước phải có trách nhiệm với ĐBSCL. Đầu tư GD-ĐT vùng ĐBSCL không chỉ phải công bằng trên tỷ lệ dân số mà còn tăng định suất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì khi xây dựng do nền móng yếu giá trị đầu tư ở các vùng khác là 1 ở ĐBSCL đến 1,5” – TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đề xuất.

Chạy đua với thời gian thay vì làm thêm đề án

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế đặc thù cho ĐBSCL. Thậm chí mỗi lĩnh vực như GD-ĐT, đào tạo nghề phải có đề án riêng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các địa phương nên dốc toàn lực để thực hiện QĐ 1033 vì năm 2011 sắp khép lại, làm đề án phải hội họp góp ý nhiều lần mới thông qua trong khi quỹ thời gian rất ngắn.

Nhiều đại biểu tỏ ra đồng tình với đề xuất của ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau: Cần thành lập Ban chỉ đạo (hoặc Ban thường trực) thực hiện QĐ 1033 ở ĐBSCL để kịp thời kiểm tra đánh giá, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Ông Thái Văn Long cũng mong các bộ, ngành chức năng sớm ban hành các thông tư về chính sách, chế độ - quá trình này thường thực hiện rất lâu. Một trong các yếu tố then chốt hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các nhu cầu phát triển GD-ĐT, dạy nghề trong giai đoạn mới. Trong đó, vai trò của các trường ĐH trong vùng như ĐH Cần Thơ, An Giang, thậm chí là các trường ĐH ở TP.HCM phải có trách nhiệm chia sẻ với ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận: “Bộ GD-ĐT sẽ tôn trọng các chỉ tiêu cử tuyển và đào tạo của các địa phương để đáp ứng nhu cầu của địa phương. Bộ khuyến khích các trường ĐH tăng các chỉ tiêu tuyển sinh, nếu các trường đảm bảo đội ngũ giáo viên, cơ sở. Nếu Bộ GD-ĐT không đáp ứng có quyền chất vấn bộ. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ cùng với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH cùng kiểm tra giám sát quá trình triển khai thực hiện QĐ 1033 của Thủ tướng. Trong đó, nếu “hai bộ” có lơi lỏng thì nhắc nhở”.

Theo kế hoạch đề ra đến năm 2015, vùng ĐBSCL đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở bậc tiểu học đạt tối thiểu 99%, ở bậc THCS đạt 85% và ở THPT đạt 60%; tỷ lệ lao động toàn vùng qua đào tạo nghề đạt 40% (bình quân đào tạo 445.000 lượt người/năm). Đến năm 2015, bình quân đạt 190 sinh viên/vạn dân, đảm bảo cơ cấu hợp lý trong các ngành kinh tế, xã hội có thế mạnh của vùng, đáp ứng nguồn nhân lực cho các địa phương…

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X