Giáo dục văn hóa giao thông học đường: Những chuyển biến đáng ghi nhận

Cập nhật: 24-12-2014 | 08:55:37

Khi mà tai nạn giao thông (TNGT) đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội thì việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT), hình thành văn hóa giao thông (VHGT) cho đối tượng học sinh - sinh viên (HS-SV) có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

 

 Đại diện Ban ATGT tỉnh tặng sách giáo dục về giao thông cho học sinh tiểu học tại huyện Phú Giáo Ảnh: B.MINH

Những việc làm hiệu quả

Trước đây, cứ đến giờ tan học, nếu có dịp quan sát, chúng ta sẽ thấy trước các cổng trường THCS và THPT các em HS thường chen lấn nhau lộn xộn, ồn ào. Phần đường trước các cổng trường gần như tắc nghẽn khi nhiều em dừng ở lòng đường để chờ nhau, dàn hàng ba, hàng tư để đi, nhiều em đi xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm... Đó là chưa kể đến tình trạng HS sử dụng xe máy khá phổ biến. Cách cổng trường không bao xa, hầu như đều có các điểm giữ xe cho HS do các hộ dân đứng ra làm dù ban giám hiệu các trường đều thực hiện nghiêm việc cấm HS đi xe máy đến trường, tuy nhiên do các em mang xe gửi ở các điểm giữ xe bên ngoài nên nhà trường khó mà quản lý được. Nhiều em chưa đến tuổi vẫn điều khiển xe gắn máy có phân khối lớn.

Tuy chưa thể thống kê chính xác số trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ của HS trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng số vụ vi phạm với các lỗi phổ biến như: Điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái xe, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm… của HS-SV là không ít. Được biết, để thực hiện chỉ đạo về việc tăng cường giáo dục VHGT trong học đường cũng như tuyên truyền công tác bảo đảm trật tự ATGT trong HS - SV, thời gian qua, Sở Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã chỉ đạo các trường học và Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố tăng thời gian và đa dạng hóa hình thức giảng dạy pháp luật về ATGT ở tất cả các cấp học; giáo dục HS - SV chấp hành các quy định bảo đảm trật tự ATGT. Cương quyết xử lý các trường hợp HS chưa đủ tuổi, không giấy phép lái xe đi xe mô tô, xe gắn máy đến trường; có các biện pháp giải quyết tình trạng phụ huynh tập trung trước cổng trường đưa, đón HS gây ùn tắc giao thông; chủ trì, phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ trong HS trên địa bàn toàn tỉnh... Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường học phối hợp với ban đại diện phụ huynh HS thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe và sau khi uống rượu, bia...

Cần những giải pháp thiết thực hơn

Với những nỗ lực đó, đến nay, các trường học trong tỉnh đã xây dựng được 245 cổng trường an toàn; thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền măng non về ATGT; vận động 100% HS ký cam kết không điều khiển xe mô tô, không vi phạm pháp luật về ATGT. Phát động phong trào vận động đoàn viên thanh niên khối trường học tham gia giữ gìn trật tự ATGT, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ thông qua hệ thống loa phát thanh và các buổi sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt dưới cờ; phát động phong trào nề nếp, giữ gìn trật tự giao thông, thành lập các đội hình thanh niên xung kích bảo vệ trật tự ATGT tại các trường THPT, thực hiện công trình thanh niên trường học như “Cổng trường em sạch - đẹp - an toàn”... Đẩy mạnh tuyên truyền việc đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng, đúng quy cách khi đi xe đạp điện, xe mô tô, xe máy...

Tuy vậy, vấn đề giáo dục ATGT trong các trường học vẫn còn một số bất cập, đó là nhà trường hiện chưa có một khung chương trình thống nhất về ATGT cho cả 3 cấp học. Những kiến thức về pháp luật giao thông mới chỉ được giới thiệu rải rác trong môn giáo dục công dân. Hàng năm, HS đều được nhà trường phối hợp với công an tuyên truyền về pháp luật ATGT, nhưng việc tuyên truyền mới chỉ chú trọng đến các quy định pháp luật về ATGT chứ chưa chú trọng tới VHGT. Trong khi đó, VHGT không chỉ là nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, mà còn phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông và cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường. Vì vậy, nên chăng, bên cạnh các bài học lý thuyết như hiện nay, cần tăng cường các tiết thực hành để các em có điều kiện hiểu thêm về các quy định bảo đảm ATGT, đặc biệt, cần cho các em xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ TNGT để có sức tác động mạnh mẽ tới nhận thức của các em, qua đó hình thành ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ cho mọi người ngay từ lúc còn cắp sách tới trường.

Để văn hóa giao thông học đường thực sự đi vào nề nếp, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các em thấy rõ được hậu quả của TNGT là thảm họa khôn lường, là tổn thất lớn không có gì bù đắp được. Việc xử lý HS vi phạm phải mang tính giáo dục. Các bậc phụ huynh phải nhận thức được rằng vi phạm của con em mình là có một phần lỗi của mình, từ đó cùng có trách nhiệm với nhà trường trong việc giáo dục các em hình thành VHGT, tránh được hiểm họa TNGT...

 

 BÌNH MINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên