Giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới: Tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách

Cập nhật: 07-09-2016 | 08:51:26

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) hàng hải và đường thủy nội địa (ĐTNĐ), các cấp, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý; trật tự, kỷ cương của hoạt động giao thông vận tải (GTVT) ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh được thiết lập, qua đó ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ĐTNĐ có nhiều chuyển biến tích cực.

Áp dụng đồng bộ các giải pháp

Nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, ĐTNĐ và khắc phục ùn tắc giao thông; triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT ĐTNĐ trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường thực hiện một số giải pháp thiết thực và quan trọng trong thời gian tới đây.


Tăng cường tuần tra kiểm soát sẽ hạn chế được các vi phạm giao thông đường thủy. Trong ảnh: Khách qua sông bằng phà trên địa bàn tỉnh thường xuyên được nhắc nhở mặc áo phao

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT chủ trì phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ GTVT khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển GTVT, quy hoạch cảng, bến thủy nội địa, xây dựng công trình và các hoạt động khác trên hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ. Nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh tổ chức bộ máy quản lý giao thông ĐTNĐ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và tăng cường kiểm tra công tác đăng ký, quản lý phương tiện thủy theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp với lực lượng chức năng của ngành công an, địa phương thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải ĐTNĐ theo quy định của Chính phủ. Trong đó tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng. Nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định. Phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương đình chỉ hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông ĐTNĐ.

Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện chở khách, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi. Tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện không đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm. Chỉ đạo công tác điều tiết, bảo đảm giao thông tại các nơi có mật độ giao thông cao, luồng lạch cạn, nơi thi công các công trình có ảnh hưởng đến ATGT ĐTNĐ; kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy, kịp thời bổ sung, thay thế những phao tiêu, biển báo bị mất, hỏng khi thay đổi luồng chạy tàu...

Tăng cường phối hợp

Từ năm 2011-2015, TNGT đường thủy trên địa bàn tỉnh đã giảm thiểu qua từng năm, riêng 6 tháng đầu năm 2016 không xảy ra TNGT đường thủy, góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Riêng Ban ATGT tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Sở GTVT và các sở, ngành, địa phương có liên quan phát động phong trào văn hóa giao thông và thi đua trong lực lượng thực thi công vụ trên ĐTNĐ như Cảnh sát giao thông, Thanh tra GTVT, Cảng vụ ĐTNĐ, đăng kiểm..., xây dựng hình ảnh người thực thi công vụ đúng mực, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với người dân; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT ĐTNĐ đạt hiệu quả cao, gắn với cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước, giai đoạn 2016-2020”...

Đối với Công an tỉnh, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT ĐTNĐ là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn như: Phương tiện chở quá số người quy định, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; cảng, bến thủy không phép, không bảo đảm điều kiện an toàn; khai thác khoáng sản, đánh, bắt, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ; các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải ĐTNĐ...

MỸ ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên