Gieo chữ ở Trường Sa

Cập nhật: 14-01-2015 | 10:20:50

Ở nơi hải đảo xa xôi, người thầy đi gieo chữ cũng chính là một chiến sĩ thực thụ. Người chiến sĩ ấy không chỉ đẩy lùi “giặc dốt”, đem ánh sáng tri thức cho học trò mà còn mang tinh thần anh dũng, kiên cường của mình điểm tô cho vẻ đẹp rạng ngời của người giáo viên.

Trẻ em ở Trường Sa cần con chữ để mai này góp sức giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Trong ảnh: Gia đình anh Đoàn Tuấn Kiệt tại xã đảo Song Tử Tây. Ảnh: K.VINH

Lớp học đặc biệt

Vừa đặt chân lên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa được vài giờ, chưa kịp quen những cơn “say bờ” lạ lẫm, chúng tôi được một chiến sĩ trẻ hồ hởi giới thiệu: “Trên đảo có lớp học rất đặc biệt đấy mấy anh nhà báo! Nhìn trẻ con đi học ở trên đảo rất vui và rất thích, chúng tôi như được trở về với thời ấu thơ cắp sách đến trường, nắn nót từng nét chữ theo lời dạy của thầy cô” .

Không thể cưỡng lại sự tò mò về lớp học đặc biệt ở Trường Sa, chúng tôi vội vã tìm ngay lớp học trên đảo Song Tử Tây. Nói phải tìm là vì trong thời gian này, các lực lượng đang duy tu, sửa chữa ngôi trường cũ, thay vào đó là một ngôi trường tiểu học to đẹp, khang trang hơn nên lớp học phải thay đổi địa điểm liên tục, mượn tạm phòng của UBND xã để thầy trò có chỗ dạy và học.

Lớp học của các thầy Lê Xuân Quyết và Lê Văn Mạnh thật đặc biệt, được ví von là lớp học “3 trong 1”, bởi chỉ có 6 học sinh (HS) nhưng lớp lại có 2 HS lớp ba, 2 HS lớp hai và 2 HS mẫu giáo. Vì là lớp ghép nên công việc gieo chữ của các thầy cũng rất khác: Buổi sáng, thầy Quyết dạy toán, tập đọc cho 2 HS lớp ba rồi quay sang dạy tiếng Việt, đạo đức cho 2 HS lớp hai trước khi dạy các cháu còn lại tập tô màu. Buổi chiều, thầy Mạnh đảm trách nhiệm vụ dạy dỗ học trò.

Lớp ghép “3 trong 1” này lại nằm giữa trùng khơi sóng gió nên kế hoạch giảng dạy của các thầy giáo trẻ cũng “khác lạ”, phải sáng tạo nhiều so với ở đất liền. Ngoài việc giảng dạy theo chương trình và theo sách giáo khoa, các thầy còn dạy trẻ theo chủ điểm vào các tháng khác nhau để các em dễ nhớ, dễ học. Thầy Mạnh mở cho chúng tôi xem kế hoạch giảng dạy đặc biệt: Tháng 1 và 2 là chủ đề tết quê em, tháng 3 là tiến lên đoàn viên, tháng 4 và 5 là yêu quý cha mẹ, tháng 9 và 10 là biển đảo quê hương.

Dạy học ở đảo có rất nhiều khó khăn, nhưng cái khó lớn nhất là thiếu đồ dùng học tập cho bọn trẻ. Tranh ảnh, sách, tài liệu minh họa phục vụ giảng dạy cho các em còn thiếu nhiều nên giờ học hơi khô khan và thiếu hấp dẫn. Dẫu vậy, các thầy cũng liên tục sáng tạo, vừa dạy các em qua sách vở, lại tổ chức ngoại khóa để các em có thêm kiến thức, kinh nghiệm sống.

Kiên cường thầy giáo Trường Sa

Soạn giáo án trước giờ lên lớp ở đảo tiền tiêu. Ảnh: K.VINH

Thầy Lê Xuân Quyết: “Nếu ở lại đất liền, chúng tôi có thể kiếm được những công việc nhàn nhã hơn; ngoài việc dạy học ở trường còn có thể kiếm thêm nguồn thu nhập khác để lo cho bản thân. Nhưng một khi lòng đã quyết hướng về biển đảo quê hương, nguyện góp sức mình cho Trường Sa thân yêu thì nào có nghĩ gì về khó khăn, gian khổ nữa”.

Câu chuyện giữa tôi và thầy giáo Lê Văn Mạnh bỗng dưng trở nên thật cởi mở, khi Mạnh tiết lộ cũng là dân sư phạm sử của trường Đại học Qui Nhơn. Mạnh quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Tốt nghiệp khóa 31, cầm tấm bằng sư phạm trong tay anh trở về quê đi dạy. Trong một lần trên đường từ trường về nhà, thầy giáo trẻ nghe tin Sở Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa có tuyển giáo viên đi Trường Sa, anh liền viết vào đơn đăng ký ngay.

Trong khi đó, thầy giáo Lê Xuân Quyết tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Khánh Hòa. Ra trường đúng thời điểm ngành giáo dục vận động ra Trường Sa gieo chữ, anh cũng viết đơn tình nguyện xung phong ra Trường Sa ngay. Quyết tâm sự: “Nếu ở lại đất liền, chúng tôi có thể kiếm được những công việc nhàn nhã hơn; ngoài việc dạy học ở trường còn có thể kiếm thêm nguồn thu nhập khác để lo cho bản thân. Nhưng một khi lòng đã quyết hướng về biển đảo quê hương, nguyện góp sức mình cho Trường Sa thân yêu thì nào có nghĩ gì về khó khăn, gian khổ nữa”.

Quả vậy, có đến Trường Sa, sống và thấy được cái khó khăn, thiếu thốn của các thầy giáo trẻ đang độ tuổi 24, 25 mới hiểu được cái tâm, cái nghĩa của người thầy mang chữ đi gieo ở đảo xa. Ở tuổi ấy, sự khó khăn, khắc nghiệt của nghề có thể đã đánh gục ý chí, đẩy người đi xa nghề của những giáo viên ở đất liền, vốn đầy đủ tiện nghi, vật chất. Nhưng ở Trường Sa, cái khó khăn, thiếu thốn của việc gieo chữ được đổi lại bằng niềm tin yêu học trò, sự kiên trì, nhẫn nại của tấm lòng sắt đá nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Thầy Lê Văn Mạnh tâm sự: “Lúc tôi ký vào đơn tình nguyện xin ít nhất 5 năm công tác ở Trường Sa, tôi cũng không lường trước những khó khăn ở đảo. Mùa khô, sinh hoạt trên đảo có nhiều bất tiện nhưng đổi lại tình người trên đảo lại chứa chan như bát nước đầy. Trên đảo, thầy trò chúng tôi yêu thương nhau như người trong một nhà”.

Thầy Quyết nhớ lại buổi ban đầu ra Trường Sa dạy học: “Khi biết tôi viết đơn tình nguyện ra Trường Sa công tác, mọi người trong nhà cảm thấy lo và ái ngại, nhưng tôi đã quyết tâm thì phải thực hiện bằng được. Hơn nữa, được ra Trường Sa dạy học là điều rất thiêng liêng và không phải là dễ dàng, nhất là với giáo viên trẻ, nên đây cũng là cơ hội để rèn luyện bản lĩnh sư phạm của mình”. Hơn một năm ra đảo, hè vừa rồi thầy Quyết được về thăm nhà ít ngày, cả nhà rất vui, ai cũng khen thầy rắn rỏi, cứng cáp hơn trước nhiều. “Còn tôi lại cảm thấy nhớ đảo và học trò nhiều lắm dù mới xa nhau ít ngày”, thầy Quyết tâm sự.

Đêm trước ngày chia tay, 2 thầy giáo trẻ sang tận phòng tôi ở nhà khách đảo Song Tử Tây mời cơm. Bữa cơm đạm bạc, dù là đang mùa mưa, mùa thoải mái nhất ở Song Tử Tây khi đảo có nước dồi dào, rau xanh trồng được khá nhiều, bữa ăn lại có cả cá do phụ huynh tặng cho. Bữa cơm đạm bạc không thiếu tiếng cười hào sảng, khí khái giữa biển khơi ngày đêm sóng vỗ. Tình thầy, chữ thầy gieo ở đảo Trường Sa vì thế trở nên thiêng liêng và vô cùng quý giá không chỉ đối với học trò các thầy dạy.

Tôi chợt suy nghĩ, dường như cái khó khăn, thiếu thốn ở đảo tiền tiêu này chỉ khiến cho họ thêm vững tin với con đường họ chọn, con đường cống hiến cho Tổ quốc. Và những con chữ các thầy đi gieo ở Trường Sa không chỉ mang lại tri thức cho HS, nó còn là chữ giữ chủ quyền, chữ đi bảo vệ Tổ quốc.

LÝ KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên