Giữ đất cho cây lúa

Cập nhật: 26-11-2011 | 00:00:00

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015. Theo đó, đất dành cho cây lúa cả nước đến năm 2020 sẽ là 3,81 triệu ha. Chỉ tiêu này trong thời gian qua nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu bởi có liên quan đến vấn đề an ninh lương thực. Con số 3,81 triệu ha đã được tính toán nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong dài hạn trước áp lực tăng dân số, thách thức của biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Trong khi đó, đất khu công nghiệp (KCN) hiện nay là 72.000 ha sẽ tăng lên và ổn định ở mức 200.000 ha vào năm 2020. Đây cũng là một chỉ số nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu Quốc hội. Việc hạn chế diện tích đất KCN là hợp lý với thực tiễn. Vì đến nay, tỷ lệ bình quân lấp đầy diện tích KCN còn thấp. Bình quân cả nước chỉ mới đạt 46%. Nhiều KCN ở một số địa phương còn đang đền bù, giải tỏa mặt bằng... nên phải một thời gian nữa mới lấp đầy được diện tích KCN hiện có. Do vậy không cần phải tăng quá nhiều diện tích đất KCN.

Nêu hai con số về diện tích đất dành cho cây lúa và diện tích đất phát triển KCN để thấy rằng: Mục tiêu đưa nước ta thành một nước công nghiệp cơ bản vào năm 2020 là không thay đổi, nhưng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà đặc biệt vấn đề lương thực và an ninh lương thực vẫn được Đảng,  Nhà nước coi trọng. Tuy nhiên, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng trong thời gian qua đã khiến diện tích đất trồng lúa ngày càng thu hẹp. Trong 10 năm qua, cả nước đã có 270.000 ha đất lúa nước khu vực đồng bằng đã chuyển sang phát triển đô thị, KCN và các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp khác. Điều đáng lo ngại là hiện nay nhiều diện tích canh tác ở các địa phương đã bị mất đi do chính nhận thức chưa đầy đủ của những người quản lý. Sự phát triển của kinh tế - xã hội với những KCN, khu chế xuất, quá trình xây dựng đô thị, đường sá, sân golf... đã lấy mất rất nhiều đất nông nghiệp. Vì như thế là có lợi cho thu ngân sách, cho kinh tế các địa phương và cũng có lợi cho một số cá nhân, nhóm lợi ích. Bởi với một cái nhìn trước mắt là càng làm nhiều lúa, càng giữ đất trồng lúa địa phương càng chậm phát triển và người trồng lúa thì nghèo nên chẳng ai thích giữ đất trồng lúa.

Quá trình “biến mất” của đất nông nghiệp như đã nói ở trên nếu không được ngăn chặn, điều chỉnh kịp thời có thể sẽ gây nguy hại cho nguồn lương thực và an ninh lương thực quốc gia trong tương lai. Vì vậy làm thế nào vừa giữ được đất nông nghiệp mà chủ yếu là đất trồng lúa vừa phát triển được kinh tế, bảo đảm đời sống người nông dân ngày một khá lên là vấn đề lớn đang đặt ra cho những nhà quản lý, hoạch định...

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên