Giữ gìn sự trong lành của dòng sông

Cập nhật: 07-08-2014 | 11:21:37

Oằn mình gánh trên vai hơn 1.000m3 nước thải mỗi ngày, sông Thị Tính đã dần trở nên già nua, xấu xí và ngày càng trở nên ô nhiễm nặng hơn. Với ý thức nâng cao tinh thần giám sát, người dân đã phát hiện và kịp thời báo cáo các ngành chức năng để tiến hành kiểm tra nhằm ngăn chặn hạn chế đến mức tối thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần giữ mãi màu xanh của những vườn cây và mặt nước đem lại sự trong lành của dòng sông.

Phát triển công nghiệp ồ ạt làm ô nhiễm môi trường nước sông Thị Tính


Từ năm 1996 trở về trước, Bến Cát còn là một huyện thuần nông của tỉnh Sông Bé, sông Thị Tính lúc đó là một con sông nên thơ, hai bên bờ cao chen chúc những chòm cây xanh mát mắt, có những đoạn vườn cây ăn trái sum suê, chôm chôm chín đỏ rực không người hái, ven bờ sông thấp là những rau muống, rau bợ, cỏ dại mọc vươn ra dòng nước non mướt dưới ánh nắng mặt trời. Trên mặt sông, bao nhiêu là chú cá nhỏ bơi lội ngoi lên ngụp xuống đớp móng, đôi lúc chúng đùa giỡn quá mức mà nhảy cẩng lên khỏi cả mặt nước và ẩn mình dưới mặt nước là những chú cá lăng, cá trèng, cá dứa to tướng mà các chủ ghe chài kéo lưới lên vui mừng khi thấy chúng vướng trong những tấm lưới. Nước sông trong veo vào mùa nắng và đục ngầu vào mùa mưa nhưng thời đó, nước sông không chứa đựng những chất ô nhiễm như ngày hôm nay.

Với tinh thần góp sức bảo vệ môi trường sông Thị Tính hôm nay hạn chế đến mức tối thiểu ô nhiễm môi trường của dòng sông


Kể từ năm 1997, Bến Cát trở thành một huyện phía bắc của tỉnh Bình Dương, với chủ trương mời gọi đầu tư về tỉnh nhà cùng với chủ trương đưa dần các doanh nghiệp sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường lên phía bắc, Bến Cát đã đón nhận rất nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước như các nhà máy sản xuất giấy, thép, chăn nuôi, chế biến mủ cao su, gỗ… Đầu tiên là Khu công nghiệp Tân Định, rồi đến Khu công nghiệp Mỹ Phước 1 hay các doanh nghiệp đầu tư ngoài khu công nghiệp ở An Điền, An Lập, Long Nguyên, Lai Hưng… Đây là các doanh nghiệp nằm trên lưu vực sông Thị Tính và tất nhiên nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất đã qua xử lý hay cố tình chưa xử lý rồi cũng thải ra sông Thị Tính làm cho nước sông ngày càng ô nhiễm nặng.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy đã được cơ quan chức năng yêu cầu đưa ống xả thải lên trên mặt nước, nước thải phải qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường rồi mới được cấp giấy phép xả nước thải vào sông Thị Tính, tại cửa ống xả phải để tên công ty để người dân xung quanh giám sát. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chấp hành, nhưng vẫn còn doanh nghiệp không để bảng tên công ty ngay miệng xả, vẫn lén lút lúc nước ròng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường để hòng khi nước lớn trở lại, nước ô nhiễm đã hòa lẫn 2 lần vào dòng nước, làm cho khó phát hiện hơn nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, với tinh thần góp sức để bảo vệ môi trường của địa phương, với ý thức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, Nhà nước và nhân dân trong khu vực đã nâng cao tinh thần kiểm tra, giám sát đã phát hiện và kịp thời báo cáo các ngành chức năng để tiến hành kiểm tra nhằm ngăn chặn hạn chế đến mức tối thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường để cùng với mọi người dân giữ mãi màu xanh của những vườn cây và mặt nước trong veo như ngày nào.

HOÀNG ÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=540
Quay lên trên