Giữ nghề, nghề không phụ

Cập nhật: 12-08-2014 | 16:49:57

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm bánh tráng, sau khi học xong phổ thông, ông Nguyễn Thanh Răng (sinh năm 1961, ngụ tại ấp Bến Giảng, xã Phú An, TX.Bến Cát) đã chọn nghề truyền thống của gia đình để phát triển sự nghiệp.

Ông Răng bên sân phơi bánh tráng của gia đình Ảnh: N.HƯƠNG  

Tính đến nay ông Răng đã gắn bó với nghề làm bánh tráng 30 năm. Nghề làm bánh tráng cũng lắm thăng trầm. Trước đây, bánh tráng Phú An đã trở thành một thương hiệu và phát triển mạnh mẽ thì hiện nay, do thu nhập không ổn định, nhiều người dân đã không giữ nghề truyền thống này. Tuy nhiên, ông Răng thì khác.

Trước tình cảnh khó khăn, năm 2011 ông quyết định đầu tư 700 triệu đồng để mua máy móc, tìm hướng đi mới để giữ nghề. Chiếc máy làm bánh tráng được ông đặt hàng ở Củ Chi, TP.HCM. Ông Răng cho biết, nếu như tráng bánh thủ công vừa tốn nhiều công sức, sản lượng lại ít thì khi chuyển qua làm bằng máy, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn đáng kể. Hiện tại, xưởng bánh tráng của ông tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, thu nhập 200.000 đồng/người/ ngày. Mỗi ngày xưởng của ông sản xuất được 400kg bánh tráng, cao điểm có khi lên đến 700kg, bán cho thương lái với giá 25.000 đồng/kg.

Bột bánh tráng được ông Răng hết sức chú ý vì nó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bánh tráng. Ông chọn mua bột ở tận Tây Ninh để cho ra đời thành phẩm đạt chất lượng cao nhất. Thị trường tiêu thụ bánh tráng rộng rãi, từ Phú Giáo đến Lộc Ninh, Phước Long (Bình Phước) và các tỉnh khác.

Diện tích sân phơi cũng góp phần quyết định sản lượng bánh tráng thu hoạch được. Hiện tại, gia đình ông đang thuê thêm mặt bằng để tăng diện tích phơi bánh. Một ngày ở xưởng bánh tráng của ông luôn nhộn nhịp người làm; 5 giờ sáng bắt đầu tráng bánh, 7 giờ mang ra phơi, khoảng 9 giờ thì thu hoạch. Công việc cứ thế gối đầu xoay vòng, cho ra đời những mẻ bánh tráng thơm, dẻo.

Phơi bánh tráng dưới ánh nắng mặt trời sẽ thơm và chất lượng hơn sấy bánh tráng trong lò, vì vậy công việc tráng bánh phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Khi trời mưa rất khó làm được bánh tráng, sản phẩm vì vậy mà hao hụt, không đủ cung cấp ra thị trường. Hiện tại, dù còn gặp không ít khó khăn, nhất là về thời tiết và giá thành đầu ra sản phẩm, nhưng ông Răng vẫn tâm huyết với nghề, quyết tâm giữ vững nghề truyền thống của gia đình và của quê hương.

“Nghề làm bánh tráng gặp khá nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn dành trọn tình yêu cho nghề. Phải có tâm huyết thật sự mới đứng vững được với nghề”, ông Răng chia sẻ. Thực tế những nỗ lực trong làm kinh tế gia đình của ông đã được địa phương ghi nhận, với 5 năm liền (từ 2009- 2013) ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

 H.NHUNG - N.HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên