Giữ ổn định cung, cầu ngoại tệ

Cập nhật: 28-11-2016 | 08:31:10

Tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây được dự báo đem lại lợi ích cho xuất khẩu, nhưng cũng có tác động không mong muốn với doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và giá cả hàng hóa. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông điệp sẽ bám sát thị trường, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, không làm mất khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của nước ta và giữ ổn định giá trị đồng tiền.


Nhiều dự báo đưa ra năm nay tỷ giá có thể phá giá 5% nhưng đến nay chỉ mới mất giá gần 1%.
Trong ảnh: Kiểm đếm ngoại tệ tại Vietcombank Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Xuất khẩu mừng, nhập khẩu lo

Đại diện Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương cho biết, hiện nay DN xuất khẩu mặt hàng dệt may sang thị trường Mỹ, Pháp, Đức, Anh... Việc tăng tỷ giá có lợi cho DN khi thực hiện xuất khẩu, vì DN thu về tiền USD và mua nguyên vật liệu để sản xuất, xuất khẩu cũng bằng VND. Với công ty, các hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng hóa đã được ký kết từ đầu năm nên không bị ảnh hưởng trong đợt biến động tỷ giá hiện này. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hiệp Long (TX.Thuận An) cho biết, so với đầu năm, tỷ giá hiện tăng gần 1%. Nhưng biến động này tác động không đáng kể đối với DN xuất khẩu gỗ, vì vẫn ở ngưỡng cho phép. Theo ông Thanh, một số hợp đồng thanh toán của đối tác nước ngoài trả bằng USD quy đổi sang VND thì DN sẽ được lợi. Tuy rằng, khi DN nhập khẩu nguyên liệu phải thanh toán bằng USD sẽ không có lợi nhưng bù lại lượng hàng nhập khẩu về không nhiều và không sử dụng nhiều tiền USD nên DN hoàn toàn có thể cân đối được nguồn thu.

Bên cạnh thuận lợi đối với những DN sản xuất xuất khẩu, việc nâng biên độ tỷ giá cũng có tác động không mong muốn với DN nhập khẩu và giá cả hàng hóa, vì mỗi đồng USD bán hàng xuất khẩu khi quy đổi sang tiền Việt Nam sẽ thu được nhiều tiền hơn nhưng ngược lại, đối với hoạt động nhập khẩu sẽ phải bỏ ra nhiều tiền Việt Nam hơn để quy đổi sang đồng USD phục vụ cho việc mua hàng của nước ngoài. Theo ông Bùi Như Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt (TX.Dĩ An), tuy tỷ giá ngân hàng chênh lệch không lớn nhưng độ chênh dự kiến sẽ kéo dài nên với các hợp đồng có giá trị kinh tế cao thì thiệt hại cho DN cũng không nhỏ. Cụ thể hơn, do DN nhập khẩu các mặt hàng nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất bằng USD nhưng khi bán hàng thu về bằng VND, trong khi giá bán không tăng làm ảnh hưởng đáng kể đến chi phí đầu vào của DN. “Theo tôi, ngân hàng cần có giải pháp để giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ. Đành rằng, đây là yếu tố khách quan, song với các DN quy mô nhỏ và vừa và sản xuất gia công như chúng tôi thì đây thật là việc khó khăn”, ông Việt nói.

Giảm áp lực tăng cầu ngoại tệ

Những ngày qua, NHNN liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, từ đó gây hiệu ứng tăng đối với tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại. Cho đến ngày 24-11, tỷ giá liên ngân hàng được NHNN thông báo ở mức 22.131 VND/USD, đây là mức tăng cao kỷ lục mới kể từ khi tỷ giá trung tâm được thiết lập vào đầu năm 2016. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá giao dịch giữa VND/USD cũng tăng cao kỷ lục. Vietcombank niêm yết ở mức 22.560 VND/USD ở chiều mua vào và 22.790 VND/USD ở chiều bán ra. Như vậy, tỷ giá bán ra của các ngân hàng thương mại hiện chỉ kém mức trần mà NHNN cho phép chỉ có 5 đồng, đây là khoảng cách ngắn nhất từ đầu năm tới nay. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Bình Dương cho biết, nguyên nhân đẩy tỷ giá tăng mạnh là do sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế, do tác động từ kết quả cuộc bầu cử Mỹ và khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới. Còn tại Bình Dương, giao dịch cung cầu USD tại BIDV vẫn ổn định.

Theo đánh giá của NHNN, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Còn cầu ngoại tệ cuối năm chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát ở mức hợp lý; một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khi NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ đến hết năm 2017.

Cũng theo NHNN, từ nay đến cuối năm cung cầu ngoại tệ tiếp tục có diễn biến thuận lợi. Cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; dòng vốn vào do hoạt động mua bán, sáp nhập, kiều hối chuyển về dịp cuối năm… Trong khi đó, cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát ở mức hợp lý; một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khi NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 24. Ngoài ra, việc NHNN ban hành Thông tư 15 đã hạn chế việc các tổ chức, cá nhân mua ngoại tệ giao ngay trước khi đến hạn thanh toán cho các nhu cầu thanh toán ra nước ngoài, theo đó không tạo áp lực tăng cầu ngoại tệ trên thị trường.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có những biện pháp và điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, không làm mất khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam và giữ ổn định giá trị đồng tiền.

Dù tỷ giá biến động tăng nhưng theo thông tin từ các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, hoạt động mua bán ngoại tệ của khách hàng trong thời gian gần đây không có hiện tượng mua trước ngoại tệ, găm giữ hay đầu cơ như trước đây. Điều đó cho thấy tâm lý thị trường khá ổn định, thị trường đã tự xử lý, điều tiết.

 

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên