Giúp người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 20-11-2017 | 10:42:15

Những người từng có một thời lầm lỡ luôn mong muốn mọi người xung quanh sẵn sàng tha thứ, dang rộng vòng tay đón họ trở về làm lại cuộc đời, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Thấu hiểu được niềm mong mỏi đó, các cấp chính quyền trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay nhằm giúp người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng.

Bước qua mặc cảm

Tuổi trẻ nông nổi, ham chơi, anh Phạm Thái B. (ngụ phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) bị bắt và xử phạt 30 tháng tù giam về hành vi gây rối trật tự công cộng. Những ngày chấp hành án phạt tù, được cán bộ quản giáo giáo dục, thấy được việc làm sai trái của mình, B. tự nhủ khi được trở về sẽ phấn đấu trở thành người tốt, sống có ích. Sau thời gian chấp hành án phạt tù, khi được về với gia đình, được sự quan tâm, động viên của gia đình và chính quyền địa phương, anh B. thay đổi hẳn. Anh tham gia các phong trào ở địa phương và luôn nỗ lực làm gương cho những bạn trẻ xung quanh mình. Ghi nhận nỗ lực đó của B., Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh Niên Việt Nam đã tặng bằng khen cho anh trong cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”. Ngoài ra, B. còn được xóa án tích trước thời hạn.


Các thành viên trong CLB “Thắp sáng niềm tin” phường Hưng Định, TX.Thuận An sinh hoạt định kỳ

Một trường hợp khác nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, chính quyền địa phương mà người từng lầm lỡ đã trở thành gương điển hình trong hoàn lương. Đó là chị Phạm Thị T. (ngụ huyện Phú Giáo). Từng bị tòa án tuyên phạt 3 năm tù giam về tội đánh bạc, sau khi chấp hành xong án phạt tù chị T. trở về địa phương mà không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Hiểu được hoàn cảnh của chị, chính quyền địa phương đã hỗ trợ chị vay 10 triệu đồng để có vốn làm ăn. Những tháng ngày “đỏ đen” của chị T. không còn nữa, thay vào đó là hình ảnh một người phụ nữ tảo tần lo cho gia đình. Chị T. đã được mời tham gia Hội nghị hoàn lương tiêu biểu do Tổng cục 8, Bộ Công an tổ chức tại Trại giam An Phước.

Và còn nhiều, rất nhiều những tấm gương biết vượt qua khó khăn, mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống. Tất nhiên ngoài sự nỗ lực của chính bản thân họ còn phải kể đến sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng.

Từ năm 2011 đến năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, lực lượng công an các cấp đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp lực lượng công an cơ sở tổ chức tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được gần 6.000 người. Bảo đảm 100% số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được lập hồ sơ quản lý, kịp thời tham mưu cho UBND cấp xã phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù…

Hiệu quả từ các mô hình

Theo báo cáo của UBND tỉnh về sơ kết thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2017, thời gian qua từ tỉnh đến các phường, xã đã có nhiều cách làm hay, sát với thực tiễn và được người dân đánh giá cao. Các ban ngành, đoàn thể đã có những cách làm, mô hình phù hợp với tính chất, đặc điểm của mình giúp người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể như trại tạm giam Công an tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục, hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, giúp họ có kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm. Từ năm 2012 đến năm 2017, trại tạm giam Công an tỉnh đã mở 60 lớp giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng cho 1.113 phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, giáo dục hỗ trợ thủ tục pháp lý cho 625 lượt phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù.

Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù cũng như thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thời gian thực hiện Nghị định 80/CP, Cục Thi hành án dân sự phối hợp các ngành tư pháp rà soát và lập hồ sơ miễn giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người chấp hành xong án phạt tù được 182 hồ sơ với số tiền hơn 850 triệu đồng.

Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh phối hợp CA thành lập 68 Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” ở các huyện, thị, thành phố với 675 thành viên là người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong quyết định cai nghiện và cải tạo tại cơ sở giáo dục về cư trú tại địa phương. Các CLB đã tiến hành gần 700 đợt tuyên truyền, phát gần 300.000 tờ rơi, trên 2.000 poster tuyên truyền về đường lối, chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người chấp hành án phạt tù về cư trú tại địa phương. Từ những cuộc tuyên truyền này,giúp những người lầm lỡ nỗ lực hòa nhập cộng đồng, tìm việc làm để ổn định cuộc sống, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Trong khi đó Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về công tác tái hòa nhập cộng đồng, phát tài liệu về kỹ năng tìm kiếm việc làm và các địa chỉ doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh cho các phạm nhân trại viên sắp chấp hành xong án phạt tù…

Để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, giáo dục và cảm hóa những người lầm lỗi, nhất là thanh niên chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương sớm hòa nhập cộng đồng; giảm tỷ lệ tái phạm, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh, Trại giam An Phước, Trại giam Phú Hòa đã ký kết kế hoạch liên tịch về việc phối hợp giáo dục phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, các câu lạc bộ được thành lập theo xã, phường, thị trấn. Người đứng đầu CLB là Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên địa phương đó. Hội viên là các bạn đoàn viên thanh niên và người chấp hành xong án phạt tù. Từ mô hình này đã xuất hiện nhiều cá nhân hoàn lương điển hình được tuyên dương.

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên