Giúp thanh niên chậm tiến hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 16-05-2016 | 07:50:49

Ngày 15-5, Trại giam An Phước (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) đã tổ chức tổng kết thực hiện Kế hoạch số 9330 về “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước (giai đoạn 2012- 2015) giữa 4 đơn vị gồm: Trại giam An Phước, Trại giam Tống Lê Chân (Bình Phước), Hội Liên hiệp thanh niên (Hội LHTN) 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Ban chỉ đạo Kế hoạch 9330 trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc giúp đỡ thanh niên chậm tiến hoàn lương

 

Thời gian qua, nhằm giúp thanh niên chậm tiến hoàn lương, các đơn vị đã có nhiều cách làm hay như tổ chức tư vấn pháp luật, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, thành lập các mô hình… Qua đó, các đơn vị đã giáo dục và giúp đỡ được nhiều thanh niên chậm tiến có cuộc sống ổn định, không quay về con đường vi phạm pháp luật.

Hỗ trợ tối đa

Phát biểu tại hội nghị, anh Mạc Đình Huấn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Bình Phước, cho rằng hiện nay tình trạng phạm tội trong thanh thiếu niên ngày càng tăng cao và trẻ hóa. Đặc biệt, một số thanh niên có hành vi vi phạm pháp luật có mức độ nguy hiểm cao, có phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, táo bạo, gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội.

Theo anh Huấn, một thực tế khác nữa là sau khi chấp hành xong án phạt tù, các thanh niên này lại tiếp tục quay về con đường phạm pháp. Nguyên nhân là do họ bị xã hội phân biệt, kỳ thị dẫn đến không có công việc làm ổn định. Trước tình hình trên, Hội LHTN tỉnh Bình Phước xác định công tác tiếp cận hướng nghiệp, dạy nghề và giúp đỡ, tạo cơ hội cho thanh niên chậm tiến được tái hòa nhập cộng đồng là hết sức quan trọng. Vì vậy, Hội LHTN tỉnh Bình Phước đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong Ban chỉ đạo 9330 tổ chức trên 40 buổi tập huấn, hướng nghiệp cho hơn 3.500 phạm nhân. Qua đó, giúp họ có kiến thức về nghề nghiệp, việc làm sau khi trở về địa phương. Bên cạnh đó, các cấp Đoàn, Hội còn phối hợp với công an các cấp tổng hợp, rà soát các đối tượng trên để theo dõi, nắm bắt tình hình để có những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.

Trung tá Dương Hồng Dũng, Phó Giám thị Trại giam Tống Lê Chân cho biết thêm, các phạm nhân trong độ tuổi từ 15 đến 35 thường có trình độ học vấn thấp nên khả năng nhận thức pháp luật không cao. Bên cạnh đó, một số phạm nhân có cuộc sống gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của phụ huynh, đó là một trong những nguyên nhân dẫn họ vào con đường phạm pháp. Đa phần những phạm nhân này phạm tội lần đầu, một số sống “bất cần” và có tính côn đồ. Vì vậy, để giúp đỡ các phạm nhân này thì trước hết phải làm tốt công tác giáo dục pháp luật, dạy văn hóa và định hướng nghề nghiệp. Thời gian qua, trại giam đã phối hợp với các đơn vị khác tổ chức 22 lớp tư vấn pháp luật, tâm lý cho 339 phạm nhân thanh thiếu niên sắp chấp hành xong án phạt tù. Thông qua các lớp tư vấn đã giúp phạm nhân nắm được các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội. Đồng thời, giúp họ hiểu được tác hại của ma túy, các bệnh truyền nhiễm và trang bị các kỹ năng phòng tránh bệnh xã hội.

Cầu nối” cho“ thanh niên chậm tiến

Theo anh Phạm Hồng Thắng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, tại Bình Dương, công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ thanh niên chậm tiến hoàn lương đạt hiệu quả cao là nhờ Hội LHTN tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thắp sáng niềm tin. CLB vừa là nơi tiếp nhận, hỗ trợ thanh niên chậm tiến khi về nơi cư trú, vừa là “cầu nối” giữa họ với chính quyền địa phương và xã hội. CLB hoạt động theo phương thức do UBND cấp xã, phường thành lập với lực lượng chính là cán bộ Đoàn, Hội và công an làm “hạt nhân”, các đoàn thể khác cùng tham gia hỗ trợ.

Tư vấn pháp luật cho phạm nhân sắp mãn hạn tù

Trong thời gian qua các đơn vị đã chủ động phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật và đào tạo ngắn hạn (trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh) và Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, Bình Phước tổ chức được 4 lớp tư vấn pháp luật cho 291 phạm nhân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Bình phước. Số phạm nhân được tổ chức tư vấn có độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi và có thời gian chấp hành án phạt còn lại dưới 12 tháng. Sau khi kết thúc tư vấn, các phạm nhân đều nhận thức rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng, nhất là ngăn ngừa những hành vi tái phạm và vi phạm pháp luật. Đồng thời, lớp tư vấn còn cung cấp những thông tin, kiến thức cần thiết cho phạm nhân giúp họ đủ tự tin, nghị lực để sau khi tái hòa nhập cộng đồng có thể tham gia các hoạt động xã hội, các CLB, học nghề nhằm giúp phạm nhân có việc làm, ổn định cuộc sống.

 

Khi tham gia CLB, các hội viên sẽ được Ban Chủ nhiệm phổ biến các kiến thức pháp luật cơ bản, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm. Đồng thời, CLB còn tạo sự gắn kết giữa các thành viên, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm CLB cũng đã vận động thành viên tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng điều tiết giao thông và tham gia truy bắt tội phạm, gìn giữ an ninh trật tự tại địa phương.

Sau một thời gian hoạt động, CLB đã có nhiều đóng góp cho công tác giáo dục và giúp đỡ thanh niên chậm tiến. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 110 CLB Thắp sáng niềm tin với hơn 2.500 thành viên. 5 năm qua, CLB đã cảm hóa được hơn 1.500 thanh niên, giúp hơn 200 thanh niên đi cai nguyện bắt buộc và đang theo dõi giúp đỡ cho hơn 150 thanh niên. Ngoài ra, các CLB Vì tương lai, Phòng chống tội phạm Vì bạn bè quanh ta… cũng đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giúp thanh niên chậm tiến có được sân chơi, sớm hòa nhập cộng đồng.

Còn tại Bình Phước, anh Mạc Đình Huấn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Bình Phước, cho rằng công tác giúp đỡ thanh niên chậm tiến hoàn lương mặc dù có kết quả cao nhưng vẫn còn phần lớn thanh niên chậm tiến quay lại con đường lao lý. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là khi về địa phương, họ khó kết nối với chính quyền địa phương và xã hội nhằm tìm kiếm được sự đồng cảm, giúp đỡ. Nắm bắt được tâm lý này, Hội LHTN tỉnh đã thành lập CLB Vì ngày mai tươi sáng và Thắp sáng niềm tin tại các địa phương có thanh niên chậm tiến. Qua sinh hoạt CLB, các thanh niên chậm tiến có cơ hội giao lưu, giúp đỡ nhau thoát khỏi sự tự ti, làm lại cuộc đời. Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm CLB còn liên hệ với các ngân hàng hỗ trợ vay vốn cho các thanh niên chậm tiến làm kinh tế.

Để hạn chế phạm nhân tiếp tục vi phạm pháp luật, 2 đơn vị Trại giam An Phước và Tống Lê Chân đã chủ động lập danh sách số phạm nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã chấp hành xong án phạt tù để trao đổi với Hội LHTN 2 tỉnh. Qua đó, Hội LHTN 2 tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tiếp nhận, hỗ trợ số phạm nhân này bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, 2 đơn vị đã trao đổi được 16 lượt, với 1.610 phạm nhân. Ngay sau khi tiếp nhận danh sách trên, Hội LHTN 2 tỉnh đã liệt kê danh sách theo từng địa phương để chỉ đạo các Hội LHTN các cấp nắm bắt hoàn cảnh gia đình, bản thân, nghề nghiệp của phạm nhân để kịp thời tư vấn, giúp đỡ. Kết quả, Hội LHTN 2 tỉnh đã giúp đỡ cho 226 thanh niên tái hòa nhận cộng đồng; 424 thanh niên được giúp đỡ học nghề và 389 thanh niên có việc làm ổn định.

 

NGUYỄN HẬU - HƯNG PHƯỚC

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên