Giúp trẻ nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 12-05-2015 | 08:21:31

Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại, nhất là trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV dễ tổn thương về sức khỏe, tâm lý. Ánh mắt kỳ thị, xa lánh của mọi người xung quanh vô hình chung “đẩy” các em đi vào con đường tự ti, mặc cảm. Giúp trẻ nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng cần lắm sự quan tâm, chia sẻ, đồng thời có những chính sách chăm lo.

 Nhóm Bảy Sắc Cầu Vồng (TX.Bến Cát) tổ chức phát quà cho trẻ

 Những rào cản

Trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV (bao gồm trẻ bị nhiễm HIV và trẻ có cha mẹ bị nhiễm HIV nhưng trẻ không nhiễm) luôn gặp những khó khăn trong cuộc sống. Những rào cản từ việc kỳ thị, phân biệt đối xử làm trẻ khó tiếp cận các cơ hội chăm sóc sức khỏe, y tế, chương trình xã hội… Theo Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 400 trẻ em là trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, trong đó 54 trường hợp bị nhiễm HIV. Đa số các em đều thuộc gia đình khó khăn nên việc tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều hạn chế. Phần lớn các hộ chỉ có duy nhất một người có thu nhập. Nhiều trường hợp, ba mẹ mất vì nhiễm, trẻ phải ở với ông bà nên việc chăm sóc cho các em còn nhiều hạn chế. Đơn cử như trường hợp em V.T.T.T (TX. Bến Cát) cha mẹ mất vì nhiễm HIV, phải ở với ông, bà trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp.

Hiện nay, các trường học đã tiếp nhận cho con em bị ảnh hưởng bởi HIV tham gia học tập. Tuy nhiên, một số phụ huynh lo ngại vì sợ lây nhiễm cho con họ. Do đó, các gia đình chăm sóc trẻ đều phải giấu thông tin trẻ bị nhiễm hoặc có người thân nhiễm. Mặt khác, người có HIV chưa dám bộc lộ thẳng thắn những hiểu biết về HIV, những trải nghiệm và nỗi đau của người bị nhiễm, bị kỳ thị và xa lánh để cộng đồng hiểu, chung tay giúp đỡ, thay đổi thái độ. Các văn bản về Luật Phòng chống HIV/AIDS chưa được phổ biến đến tất cả mọi người trong cộng đồng; một số người khi biết luật nhưng không thực hiện.

Trước những rào cản trong cuộc sống, nhưng nhiều trẻ bị nhiễm HIV đã nỗ lực, cố gắng vươn lên khẳng định bản thân. Các em đã chứng minh cho xã hội thấy mình không cam chịu số phận. Chị Nguyễn Thị Tr. (TX.Bến Cát) chia sẻ: “Mặc dù biết mình nhiễm HIV, nhưng con tôi luôn cảm thấy tự tin, lạc quan. Cháu chơi hòa đồng với các bạn và học tập rất tốt. Nhìn con như vậy, tôi cũng cảm thấy an tâm”.

Cần lắm sự quan tâm…

Đối với những trẻ bị nhiễm HIV, tỉnh đã có những hoạt động hỗ trợ, quan tâm từ vật chất đến tinh thần. Tuy nhiên, khi mà sự gia tăng của người nhiễm, các ngành chức năng cần có những hoạt động thiết thực hơn nhằm hỗ trợ, cải thiện đời sống của trẻ. Các hoạt động phổ biến nhất cần tăng cường, đó là tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học - nơi xảy ra kỳ thị nhiều nhất đối với các em bị nhiễm. Việc tập huấn cho giáo viên và phụ huynh sẽ tăng cường kiến thức, sự đồng cảm cũng như quan tâm của nhà trường tới con em bị nhiễm, đồng thời trang bị kiến thức đúng đắn cho mọi người.

Ngoài ra, việc trẻ bị nhiễm phải uống thuốc kháng virus (ARV) làm trẻ chậm phát triển trí não, nên việc học và tiếp thu gặp nhiều khó khăn. Theo chị Nguyễn Thị K. (Trưởng nhóm chăm sóc trẻ Bảy Sắc Cầu Vồng), chia sẻ: “Các em bị nhiễm HIV thường nghỉ học sớm vì phụ huynh trong trường không muốn con em học cùng người nhiễm, phần vì trẻ uống thuốc, nên tiếp thu chậm bài vở. Việc không được hòa nhập sẽ rất dễ làm trẻ tự kỷ, nhà trường vẫn phải là một điểm tựa cho trẻ trong các hoạt động cộng đồng”.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động vui chơi, sinh hoạt nhóm, tổ chức những hoạt động ngoại khóa… ở các tổ chức cộng đồng cũng là “cầu nối” giúp các em phát triển, hoàn thiện mình. Một hoạt động đáng ghi nhận, đó là có sự góp sức không hề nhỏ từ các tổ chức cộng đồng - CBO. Hiện Bình Dương ghi nhận 4 tổ chức cộng đồng là Những người bạn, Sức Sống mới (TX.Dĩ An, TX.Thuận An) hỗ trợ cho khoảng 190 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV; nhóm Bảy Sắc Cầu Vồng, Sức Sống (TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng) cho khoảng 170 trẻ bị ảnh hưởng. Hoạt động này là một phần trong dự án can thiệp hỗ trợ từ Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV do Global Fund hỗ trợ Việt Nam từ 2011 đến nay. Mỗi tháng trẻ đều được tập hợp sinh hoạt nhóm, chơi trò chơi, phát quà, tiền học phí. Ngoài ra, còn có các hoạt động talk show, event cho cả trẻ và phụ huynh để nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ. Đây là những hoạt động nhân văn trọng tâm vào trẻ em chịu nhiều thiệt thòi, với mong muốn giúp các em được phát triển toàn diện.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc và hỗ trợ trẻ hòa nhập với cộng đồng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng trong những năm tới, tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa với những hoạt động hỗ trợ dài hạn, những chính sách ưu tiên cho trẻ em nhiễm HIV. Hơn nữa, sự vào cuộc của các cá nhân, tổ chức sẽ giúp trẻ có nhiều cơ hội được tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng như phát triển bản thân.

 N.T  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên