Gỡ khó để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ

Cập nhật: 27-07-2020 | 09:43:54

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu nhiều tác động do dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn. Song thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các DN còn gặp rất nhiều khó khăn.

 Sản xuất tại Công ty Cổ phần May Quốc tế (TX.Bến Cát)

 Khó tiếp cận

Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch bệnh Covid-19, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có nhiều gói hỗ trợ DN ở nhiều lĩnh vực như tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ), chính sách thuế (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất); chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động... Các chính sách, chủ trương của Chính phủ là kịp thời, tích cực, quyết liệt. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, khi đi vào thực tế, các chính sách hiện rất khó để tiếp cận, thậm chí nếu để tiếp cận được các chính sách này, nhiều điều kiện đưa ra gần như phá sản.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho rằng, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều đơn hàng của nhiều công ty may mặc bị hủy hoặc bị giãn thêm thời gian. Không có đơn hàng, lương công nhân phải trả, lại gánh thêm chi phí... trong khi không có doanh thu, khiến DN điêu đứng. “Khi biết có gói tín dụng hỗ trợ cho DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, chúng tôi cũng đã đến một ngân hàng thương mại để tìm hiểu. Tuy nhiên, thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ này quá phức tạp. Ngân hàng còn yêu cầu phải chứng minh thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng để chứng minh điều này là rất khó”, bà Trang cho biết. Khó khăn nhất chính là doanh nghiệp không tiếp cận được chính sách hỗ trợ cho người lao động nghỉ việc. “Dù lương có giảm, doanh nghiệp khó khăn đủ bề nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để người lao động có thu nhập. Vậy là chúng tôi sáng tạo, có sức chống chịu, song nếu để được thụ hưởng chính sách này, những điều kiện đưa ra gần như phá sản… Vậy thì sự cố gắng của DN không còn ý nghĩa và đôi lúc nhiều DN nghĩ đến chuyện buông tay”, bà Trang thẳng thắn chia sẻ.

Trở lại với Quyết định 15/2020 quy định về điều kiện hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương khi có rất nhiều điều kiện. Trong đó, có điều kiện phải “Làm việc tại các DN không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của DN, số dư đến ngày 31-3-2020) do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”. Quy định này được cho là rất bất hợp lý vì chỉ có DN “chết” mới không có doanh thu.

Tháo gỡ khó khăn

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành phải nghiên cứu, đề ra các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn để DN tiếp cận được các gói hỗ trợ. “Ngành tài chính cần phải tiếp tục đề xuất cụ thể về gói kích thích tài khóa, các giải pháp gồm tiếp tục hoãn, giảm, miễn thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định”, Thủ tướng yêu cầu.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc VCCI tại TP.Hồ Chí Minh cũng đưa ra kết quả khảo sát nhanh của VCCI cho thấy, có 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% DN có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh, 21% DN sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Đáng chú ý, có khoảng 19% số DN trả lời là chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. “Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang tác động tới các hoạt động kinh tế - xã hội, nên việc kịp thời hỗ trợ các DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ hiện đang có ý nghĩa sống còn”, ông Thành nói.

Đề xuất giải pháp, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho rằng cần phải có sự rõ ràng trong hỗ trợ DN cụ thể. Xác định hỗ trợ DN nào nên chăng cần có sự hỗ trợ chọn lọc hơn. Trong đó, ưu tiên những DN có năng lực. Đã là DN phải xoay xở để có doanh thu mới giảm lỗ, những DN đó cần phải được hỗ trợ. Ông Trọng cho rằng “Chính sách là rất tốt song tỷ lệ DN, người lao động hưởng lợi còn quá ít. Chúng tôi gặp khó khăn vẫn cố gắng duy trì hoạt động, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động. Vậy thì phải ghi nhận đó là DN có năng lực, có tính bền vững và phải được hưởng hỗ trợ”.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên