Góp công vào đại thắng mùa xuân 1975: Những trận đánh oai hùng - Bài 6

Cập nhật: 25-04-2017 | 07:43:27

Bài 6: Trận đình An Phú - Yếu thắng mạnh

Trận đánh phòng ngự chống càn ở đình An Phú (phường Tân An, TP.TDM hiện nay) đêm 17 rạng sáng 18-4-1968 đã tạo tiếng vang lớn khi lực lượng ta yếu, lực lượng địch mạnh. Chỉ 16 cán bộ, chiến sĩ của Tổ thu mua Hậu cần 83 và du kích xã Tân An đã đánh thắng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 ngụy.

Đình An Phú hiện nay là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay Ảnh: Q.C

Đình An Phú là đình nhánh của đình Bến Thế thuộc khu phố 5, phường Tân An hiện nay. Đình Tân An có vị trí khá đẹp, nằm sát sông Sài Gòn. Phía Bắc đình là rừng chồi và đồng ruộng. Đây chính là cái nôi cách mạng. Từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình An Phú đã là nơi tập luyện võ thuật của lực lượng Thanh niên Tiền phong ở địa phương. Hàng ngày, thanh niên đến đây tập võ nghệ, chuẩn bị cho kháng chiến. Và trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nơi đây đã diễn ra biết bao nhiêu trận đánh giữa ta và địch. Trong đó lớn nhất là đánh phòng ngự chống càn đêm 17 rạng sáng 18- 4-1968 giữa tổ thu mua Hậu cần 83, du kích xã Tân An và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 ngụy. Một trận thắng khi tương quan lực lượng không cân sức, lực lượng ta yếu, lực lượng địch mạnh đã tạo tiếng vang lớn lúc bấy giờ.

Dẫn chúng tôi tham quan đình An Phú, ông Nguyễn Văn Tiến, người từng tham gia lực lượng du kích xã Tân An từ năm 1960 và sau này là Bí thư Đảng ủy xã Tân An, cho biết: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong đợt 1 Tết Mậu Thân của quân và dân ta toàn miền đã gây cho địch những tổn thất nghiêm trọng. Tuy ta chưa đạt được những yêu cầu cao nhất đề ra nhưng đòn tập kích chiến lược của quân và dân ta đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận mở cuộc đàm phán bốn bên với ta tại Paris.

Sau Tết Mậu Thân, để đưa cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên, Trung ương Đảng ra nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam; đồng thời chỉ ra khuyết điểm trong đợt tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân; phân tích âm mưu, hành động của địch trong thời gian tới; động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhằm phát huy thắng lợi ta đã giành được.

Ông Nguyễn Văn Tiến đang kể lại diễn biến trận đánh đêm 17 rạng 18-4-1968 Ảnh: Q.C

Đúng như dự đoán của ta, từ tháng 4 đến tháng 5-1968, sau khi củng cố, lập lại hệ thống đồn bót, địch tập trung lực lượng mở chiến dịch mang tên “Toàn thắng” đánh vào các khu vực xung quanh thành phố, thị xã. Tại TX.TDM, quân địch ngày đêm càn quét, bao vây xóm ấp, bắt người bị tình nghi, phá biền dọc theo sông Sài Gòn, bắn phá bừa bãi vào thôn xóm. Theo kế hoạch, ngày 17-4-1968, lực lượng thủy lục không quân của ngụy, với số quân hơn 2 tiểu đoàn chia thành 4 mũi sẽ tiến công vào đình An Phú - căn cứ cách mạng của ta. Âm mưu của địch là tập kích bất ngờ, đánh bắt gọn lực lượng của ta để ngăn chặn tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Biết được ý đồ của địch, ngày 15-4, Chi ủy xã Tân An đã họp bàn phương án tác chiến, chiến đấu đánh trả địch tập kích. 4 tổ chiến đấu du kích của xã được tăng cường đã chuẩn bị sẵn sàng.

Ông Nguyễn Văn Tiến kể lại: Lực lượng của ta có 16 đồng chí. Tổ hậu cần 83 có 4 đồng chí, được cấp trên giao nhiệm vụ chốt tại địa bàn để thu mua xăng dầu, lương thực thực phẩm, thuốc men chuyển về căn cứ tại Bến Cát. Lực lượng du kích xã Tân An do đồng chí Út Quân làm đội trưởng, chỉ huy 12 đồng chí, được trang bị 1 súng B40, 14 súng AK, 1 súng ARI15 và 28 quả lựu đạn để tăng cường cho tổ hậu cần 83 chốt giữ vị trí để thu mua, tiếp tế cho bộ đội.

3 giờ ngày 17-4-1968, sau khi ăn cơm xong, lực lượng ta chuẩn bị một phần cơm vắt, nước uống cho 1 ngày và triển khai ra vị trí công sự chiến đấu. Địch tổ chức càn quét ta bằng 4 cánh quân. Một cánh bộ binh hành quân từ ngã tư Sở Sao càn ra. Một cánh bộ binh hành quân từ đồn Bến Thế càn lên. Một cánh thủy quân đổ bộ từ Xẻo Lăng (rạch Cụt) càn vào. Và một cánh đổ bộ từ máy bay ở khu vực cầu Bình Điền tiến vào. Đồng thời, chúng cho phối hợp bắn pháo binh liên tục vào đình An Phú với ý đồ bao vây, chiếm giữ và thu gọn Hậu cần 83 của ta. Nhưng ngay từ đầu chúng đã vấp phải tự đánh trả quyết liệt của quân ta. Ngay từ loạt đạn đầu ta tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch. Bị đánh bất ngờ, chúng rút ra củng cố và cho pháo bắn vào trận địa. Sau 1 giờ địch tiếp tục tiến công, bị lực lượng ta đánh bật ra. Sau nhiều lần địch tấn công, nhưng với tinh thần bám chắc công sự đánh địch của lực lượng ta, chúng không chiếm được đồn buộc phải rút lui về căn cứ. Qua 1 ngày chiến đấu, lực lượng ta an toàn, trận địa được giữ vững, đánh lui được 4 đợt tấn công của địch, làm bị thương và diệt nhiều tên địch. Đồng chí Quân lệnh cho các tổ củng cố công sự, hầm hào chiến đấu, tăng cường cảnh giới, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững trận địa.

6 giờ sáng ngày 18-4-1967, địch bắn phá vào trận địa, tiếng pháo vừa dứt, 4 mũi địch đồng loạt tấn công. Với tinh thần chiến đấu kiên cường của bộ đội và du kích Tân An, ta đánh bật các cuộc tấn công của địch, buộc địch rút về co cụm khi trời tối, nhiều tên địch không lấy được xác nằm tại trận địa. 20 giờ 35 ngày 18, được lệnh cấp trên, ta rút quân về căn cứ an toàn. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt và làm bị thương 72 tên, trong đó có đại úy ngụy, đánh tiêu hao lực lượng của tiểu đoàn bộ binh địch; thu 1 súng M79, 1 súng M14, 1 súng Colt 12mm và nhiều đạn dược.

Trận phòng ngự chống càn đình An Phú là một trận đánh điển hình của cán bộ, chiến sĩ Hậu cần 83 và lực lượng du kích xã Tân An. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ngoan cường, trong hơn 2 ngày chiến đấu, ta đánh lui 8 đợt tấn công bằng đường bộ, có yểm trợ của địch. Đặc biệt, với vai trò tổ chức của cấp ủy Đảng địa phương, người chỉ huy trận đánh, trong những tình huống khó khăn vẫn bình tĩnh chủ động xây dựng phương án chiến đấu; vận dụng sáng tạo cách đánh gần, lợi dụng địa hình vừa phòng ngự, vừa tấn công địch, phòng tránh được hỏa lực phi pháo địch. Trong quá trình chiến đấu kiên cường, quân ta vừa bám công sự giữ vững trận địa, đồng thời tổ chức xuất kích đánh gần, tiêu hao làm rối loạn đội hình tấn công của địch. Sau trận đánh, ta rút được kinh nghiệm trong việc xây dựng ý chí quyết tâm đánh và thắng địch khi địch đông và mạnh hơn ta nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, từ cái nôi của cách mạng của những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giờ đây đình An Phú đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của địa phương. Trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, phường Tân An thường chọn đình An Phú làm nơi nói chuyện truyền thống, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay. (Còn tiếp)

 

 THU THẢO

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên