Hạ tầng giao thông Bình Dương: Xây dựng hoàn thiện phục vụ sự nghiệp phát triển trong giai đoạn mới

Cập nhật: 11-03-2019 | 09:11:11

Trong những năm qua, nhiều tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo động lực cho Bình Dương phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, hạ tầng giao thông tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư hoàn thiện, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải.

Hạ tầng giao thông tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư hoàn thiện, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Trong ảnh: Một tuyến đường đi qua trung tâm thành phố mới Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

- Thưa ông, hạ tầng giao thông đã góp sức như thế nào vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà?

- Có thể nói, một trong những quyết sách quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là công trình nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13. Đến nay, đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) đã trở thành điểm nhấn nổi bật về kiến trúc đô thị và phát triển công nghiệp - dịch vụ của tỉnh. Tiếp đó, Bình Dương đã huy động các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông, trong đó tập trung vào các công trình giao thông tạo lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, như đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn, công trình nâng cấp mở rộng đường ĐT743, đường 7A ở TX.Bến Cát, cầu Ông Cộ, đường ĐT744…

Các tuyến đường này vừa làm nhiệm vụ phát triển giao thông - vận tải phục vụ phát triển công nghiệp, vừa kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố mới Bình Dương; đồng thời kích thích chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế các đô thị phía nam của tỉnh từ công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn sang công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Có thể thấy, sự thay đổi, đột phá của các địa phương như Bến Cát, Bàu Bàng, Tân Uyên... về phát triển công nghiệp và đô thị đã giúp cải thiện đáng kể mức thu nhập của người dân nơi đây. Hiện nay, Bình Dương đang quyết tâm xây dựng thành phố thông minh, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông càng được lãnh đạo tỉnh quan tâm.

- Xin ông cho biết, trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm và các dự án giao thông nói chung, Bình Dương gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

- Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, các chủ đầu tư, thời gian qua hệ thống hạ tầng giao thông nói chung và các công trình giao thông trọng điểm nói riêng trên địa bàn tỉnh được quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện. Bên cạnh việc hoàn thiện, cứng hóa hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh, Bình Dương còn chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các trục giao thông đối ngoại chính, các trục đường vận tải hàng hóa liên kết với các vùng lân cận và đầu mối giao thông quốc gia. Có thể kể đến các công trình như: Cầu Bạch Đằng 2 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai; cầu và đường kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13; xây dựng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng…

Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của tỉnh trong thời gian tới nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những mặt đã làm được, ngành giao thông còn tồn tại một số khó khăn, cụ thể như: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tuy được tỉnh rất quan tâm nhưng nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế. Thực tế cho thấy, nhiều công trình có trong kế hoạch đầu tư xây dựng của tỉnh không được bố trí vốn nên việc triển khai chậm, dẫn đến mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường vành đai đi qua địa bàn tỉnh chưa hoàn chỉnh và khép kín; một số tuyến đường trong đô thị, các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh chưa được nâng cấp, mở rộng, do đó chưa khai thác hết năng lực thông qua của kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư. Khó khăn nữa, trong thời gian qua diễn biến giá đất trong giao dịch ngoài thị trường tiếp tục tăng nên việc vận động người dân đồng thuận với chủ trương, đơn giá đền bù giải tỏa các dự án đầu tư công của tỉnh rất khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và giải ngân của công trình.

- Xin ông cho biết những dự án, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo?

- Nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công và làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm của tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 7.421km đường giao thông, trong đó có 3 tuyến quốc lộ gồm 1A, 1K và 13 dài 77km; các tuyến đường quốc lộ đã hoàn thành đầu tư nâng cấp, mở rộng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 14 tuyến đường tỉnh với chiều dài 449km; các tuyến đường huyện và đường đô thị đã nhựa hóa đạt từ 80 - 94%.

 

Theo đó, tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện, thông xe toàn tuyến đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn trong năm 2019; đồng thời đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai thi công các dự án: Nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 đoạn từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần và nhánh rẽ cầu vượt Sóng Thần; nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến ngã tư Địa Chất; đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh...

- Hiện cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất quan tâm đến dự án nâng cao độ tĩnh không của cầu Bình Lợi. Xin ông cho biết, hiện tiến độ thực hiện dự án này ra sao?

- Cầu Bình Lợi (TP.Hồ Chí Minh) được xây dựng vào khoảng tháng 2-1902. Hiện nay, cầu Bình Lợi hiện hữu đã xuống cấp, tĩnh không quá thấp (chỉ khoảng 1,8m), không phù hợp với yêu cầu về tĩnh không các công trình vượt sông Sài Gòn và yêu cầu về cấp sông của sông Sài Gòn (sông cấp III, tương đương với tĩnh không yêu cầu là 7m).

Do vậy, việc đầu tư xây dựng mới một cây cầu đáp ứng yêu cầu sự phát triển vận tải hàng hóa đường thủy và khổ thông thuyền của cấp sông Sài Gòn (tĩnh không H=7m, thông khoảng ngang B=50m) là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, ngày 21-12-2014, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Quyết định số 5080/QĐ- BGTVT phê duyệt Dự án “Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc” với tổng mức đầu tư 1.302 tỷ 892 triệu đồng, do nhà thầu Liên doanh GUD-STD (giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh - GUD với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Nam - STD) thi công, trong đó hạng mục xây mới cầu đường sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền do Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi làm chủ đầu tư.

Ngày 20-2-2019, Bộ Giao thông - Vận tải có Công văn số 1470/BGTVT-CQLXD về việc trả lời kiến nghị của tỉnh Bình Dương tại phiên họp Chính phủ với địa phương tháng 12-2018. Nội dung công văn nêu rõ: Đến nay phần cầu đường sắt Bình Lợi đã thực hiện gần 80% khối lượng (365/476 tỷ đồng), theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào ngày 30-11-2018. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án cón gặp một số khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng như: Một số hộ dân phía bờ Bình Thạnh khiếu nại kéo dài (thậm chí cản trở thi công); công tác di dời 2 trụ điện cao thế kéo dài; mặt bằng thi công chật hẹp (đoạn vào Nhà máy cao su Bình Lợi) vẫn đang vướng mặt bằng do xe container không thể ra vào khi thi công tường chắn).

Hiện Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7, nhà đầu tư quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tích cực bám sát, làm việc với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Dự kiến, tiến độ xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới sẽ hoàn thành vào ngày 30-4-2019 và công tác nạo vét phân luồng sông dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2019 để đưa dự án vào khai thác, bảo đảm sớm hoàn thành mục tiêu đầu tư.

- Xin cảm ơn ông!

PHÙNG HIẾU (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên