Hai Cà- người con ưu tú của quê hương Tân Uyên

Cập nhật: 19-03-2021 | 09:18:05

“Ai về xứ sở miền Đông/ Đều nghe danh tiếng của ông Hai Cà”. Hai Cà mà chúng tôi nhắc đến chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Trần Công An, người con ưu tú của quê hương Tân Uyên. Bằng lối đánh bất ngờ, “lấy ít đánh nhiều”, trận đánh đầu tiên vào tháp canh cầu Bà Kiên đã tạo bước ngoặt cho cách đánh mới, để rồi sau này sản sinh ra Binh chủng Đặc công anh hùng, khiến quân thù khiếp sợ.


Ông Trần Văn Kỉa thắp hương cho cha mình tại khu mộ ở cù lao Rùa

Niềm tự hào của xứ cù lao Rùa

Những ngày tháng 3, về với vùng đất cù lao Rùa, câu chuyện của ông Hai Cà cứ rôm rả. Không chỉ xoay quanh chuyện ông là “Ông tổ lối đánh đặc công”, mà còn là chuyện “Ông đại tá lạy dân”. Theo ông Mai Sông Bé, người con của vùng đất cù lao Rùa thì Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An có đến 7 điều đặc biệt. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là đến nay ông Hai Cà đã về với Bác Hồ được 12 năm, nhưng mỗi lần đình làng Nhựt Thạnh cúng lễ Kỳ yên, dân làng đều nhắc lại câu chuyện “Ông đại tá lạy dân” với tình cảm và lòng kính trọng đặc biệt dành cho người con ưu tú của làng quê cù lao Rùa. Bởi giữa đình làng, ông Hai Cà đã quỳ gối lạy Thành Hoàng bổn cảnh để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bà con ấm no... Cũng từ đó, người làng Thạnh Hội nói với nhau: Ông Hai Trần Công An không chỉ lạy thần linh mà sáu cái lạy giữa đình làng chính là những cái lạy nhân dân, lạy truyền thống văn hóa của làng quê. Những cái lạy ấy đã đi vào lòng dân, nên những điều hay lẽ phải từ chuyện tranh chấp cái mương nước hay chuyện mâu thuẫn gia đình khi ông Hai đến khuyên giải mọi người đều răm rắp nghe theo.

Còn nói về cha mình, ông Trần Văn Kỉa, tự hào cho biết, trong tổng hợp những hành động anh hùng của cha tôi - Trần Công An, đầu tiên phải nhắc đến sự kiện, tay không bắt sống tên lính Tây ở cù lao, có vũ trang súng ống đầy đủ và cao to lực lưỡng hơn ông. Sau khi giao nộp tên lính Tây cho LLVT Tân Uyên, ngay tối hôm đó, ông đã tự châm lửa đốt nhà của mình, dẫn hết vợ con từ biệt xóm làng thân thích, thoát ly vào chiến khu, vừa tránh được giặc trả thù, vừa tiếp tục hoạt động cách mạng. Hành động này như dòng sông Đồng Nai một mình một thân tự tạo dòng chảy qua ngàn đồi núi thác ghềnh, tỏa xuống đồng bằng ra tận đại dương mênh mông.

Tiếp theo đó, với chiến thuật hạ tháp canh bằng cách đánh đặc biệt đã nhanh chóng tạo dựng nên tượng đài anh hùng Trần Công An và LLVT Tân Uyên trong lòng quân dân cả Nam bộ. Bởi cách đánh này được đúc kết từ các kỹ thuật phổ biến trong dân gian, được nhân sao và truyền thêm sức mạnh trong quá trình vận dụng sáng tạo... Điều này có thể được diễn ngôn chính xác bằng lịch sử và sức mạnh vô biên của hào khí Đồng Nai.

“Ông tổ của lối đánh đặc công”

Đại tá Phạm Ngọc Vũ, Phó Tư lệnh Binh chủng Đặc công, cho biết Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An là người chiến sĩ anh hùng mở đầu cho cách đánh đặc công. Ông là người dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, luôn tìm mọi cách vượt lên những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đóng góp của ông không chỉ dừng lại ở những con số địch bị tiêu diệt, số lượng vũ khí trang bị thu được của địch... mà bằng hành động thực tiễn, ông đã tạo ra bước “đột phá” về lý luận, khai sinh ra lối đánh đặc biệt và là cơ sở, tiền đề để xây dựng một đội quân thực sự tinh nhuệ, thiện chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này, đó chính là bộ đội Đặc công.

Theo sử sách còn ghi lại, đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, ông Hai Cà chỉ huy một tổ gồm 2 du kích Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập tháp canh cầu Bà Kiên. Phía bên ngoài, ông cử 2 du kích Nguyễn Văn Ai và Trần Văn Hỏi làm nhiệm vụ cảnh giới. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bất ngờ, cả 3 người xâm nhập thành công vào trận địa cùng với chiếc thang dùng để leo tường. Theo sự phân công, du kích Nguyên leo lên tầng tháp trên, du kích Lung leo lên tầng giữa, ông Hai Cà ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy, mỗi người thống nhất ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả lựu đạn. Sau khi ném 3 quả lựu đạn, nghi bọn địch chưa chết hết, ông Hai Cà “tặng” chúng thêm một khối thuốc nổ. Sức nổ quá mạnh khiến ông bị thương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn.

Từ kinh nghiệm đó, tháng 11- 1949, Bộ Chỉ huy khu 7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh, ông Hai Cà được chọn báo cáo kinh nghiệm và cách đánh tháp canh của địch. Sau hội nghị này, Bộ Tư lệnh khu 7 rút ra được nhiều kinh nghiệm chỉ đạo và kết luận ta có thể đánh tháp canh với điều kiện phải làm tốt công tác điều nghiên, áp sát tháp canh một cách bí mật, đồng thời phải có vũ khí có sức công phá mạnh để đánh tháp. Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ngày 19-3-1948 thắng lợi và sau này, ngày 19-3 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công anh hùng.

Tiếp nối truyền thống của các anh hùng đặc công nói chung và của Anh hùng Trần Công An nói riêng, thế hệ đặc công hôm nay luôn phấn đấu, học tập, tiếp tục góp phần xây dựng và phát triển Binh chủng Đặc công thực sự là đội quân đặc biệt tinh nhuệ, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó, xứng đáng với 16 chữ vàng truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời; mưu trí sáng tạo; đánh hiểm thắng lớn”...

“Thang tre lựu đạn tung đồn bốt/ Mở lối đặc công cách đánh hay/ Sân bay Biên Hòa trên họng pháo/ Kho Long Bình trong túi đặc công/ Bao mùa chiến dịch ghi chiến tích/ Hòa cùng truyền thống đất miền Đông”. Thân dân, trọng dân, kính dân là phẩm chất đặc biệt của ông Hai Cà - một người luôn học tập và àm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời của ông, hơn 60 năm sống, chiến đấu, công tác với tư cách là một người lính có đầy đủ phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì nước, vì dân.

Ông Nguyễn Văn Dành, Bí thư Thị ủy Tân Uyên, khẳng định: Đại tá Trần Công An (tức Trần Văn Kìa, Hai Cà) là người anh hùng mang những phẩm chất tuyệt vời của người chiến sĩ cách mạng, người con ưu tú của quê hương Tân Uyên. Một người cách mạng luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và tổ chức giao cho.

Trong thời bình, ông lại tiếp tục lo nhà ở cho hàng chục người có công với nước. Nhờ đó, hàng chục căn nhà tình nghĩa và hàng trăm đồng chí có việc làm ổn định. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX.Tân Uyên luôn nhớ về ông, người anh hùng gần gũi, bình dị.

Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An đã để lại tấm gương anh dũng, mẫu mực, kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương cù lao Rùa nói riêng và TX.Tân Uyên nói chung. Vì vậy, mỗi cán bộ và nhân dân TX.Tân Uyên, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ học tập để cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm cho quê hương Tân Uyên ngày càng giàu đẹp, văn minh và nghĩa tình.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên