Hai mẹ con…

Cập nhật: 21-04-2015 | 08:11:36

Nhiều năm sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, người Mỹ đã bình tâm nhìn nhận về cuộc chiến mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam và cả những thanh niên Mỹ biết bao đau thương. Giới nghiên cứu Hoa Kỳ kết luận rằng: “Sau chiến tranh ở Việt Nam, nước Mỹ mang “khuôn mặt” bi kịch của những cựu binh, của hội chứng sang chấn tinh thần, ám ảnh… một căn bệnh của quá khứ hãi hùng không bao giờ chữa khỏi. Còn ở Việt Nam ta, cuộc chiến khốc liệt đi qua ta có “khuôn mặt” gì? Tôi nhớ, một học giả đã nói rằng, đó là “khuôn mặt” của người mẹ. Mẹ tiễn con lên đường, mẹ nén đau thương vào lòng lúc con hy sinh, mẹ đào hầm ru con… Người mẹ đã trở thành một huyền thoại bất tử của dân tộc Việt Nam”. Vâng! Đúng thế! Mẹ thật vĩ đại! Ở bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện về hai mẹ con, năm xưa nhà ở ven sông Sài Gòn…

Bà Tám và con gái Trần Thu Tâm

 Mẹ tên là Đỗ Thị Tám, nay 84 tuổi, người con tên Trần Thu Tâm, cán bộ vừa mới nghỉ hưu. Hai mẹ con nay không còn sống trong ngôi nhà tình nghĩa ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một mà chuyển qua Củ Chi, gần cầu Bến Súc, ngôi nhà nằm cạnh bờ sông Sài Gòn rất đẹp. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà, hai mẹ con ra tận đường lộ đón. Mẹ, con nay đều là người có tuổi nhưng trông họ cứ quấn quýt bên nhau như hồi con còn ấu thơ.

Bà Đỗ Thị Tám sinh ra trong gia đình nông dân yêu nước. Thời đánh Pháp, gia đình ba mẹ bà là cơ sở cách mạng. Tuổi thiếu niên của bà đi vào ký ức không bao giờ quên là những đêm được ba giao nhiệm vụ canh gác. Bà nhớ lại, hồi đó, những đêm trăng sáng vằng vặc, tôi nấp sau hè, hễ nghe tiếng giày lộp cộp của thằng Tây thì lập tức gõ cóc, cóc, cóc vào mõ, báo hiệu cho mọi người. Cứ thế, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, tôi sống không rời chiếc mõ cách mạng. Thế rồi Pháp cút, Mỹ nhảy vào, quê hương của bà Tám tiếp tục bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược. Tiếp bước truyền thống của cha ông, lúc này bà đã đến tuổi trưởng thành, đã lập gia đình nên bà tham gia hoạt động cách mạng với những nhiệm vụ cụ thể hơn, đó là: Tạo cơ sở mật hoạt động trong lòng địch, địa điểm chính là căn nhà của bà sát bờ sông Sài Gòn, thuộc phường Chánh Nghĩa ngày nay. Bà kể, một hôm bà gặp đồng chí Hai Cường từ dưới sông Sài Gòn “chui” lên nói nhanh: Đồng chí đi gọi các cán bộ mật tập trung tại nhà đồng chí ngay. Nói rồi, ông Hai Cường lặn mất tăm, nằm lóp ngóp dưới đám lục bình chờ tin bà. Bà Tám tức tốc đi một vòng nhưng gặp tín hiệu không an toàn nên bà trở về bến sông vỗ tay bốp, bốp, ra hiệu cho ông Cường biết địch đang đi lùng trong ấp. Ai dè, cái vỗ tay của bà đã lọt vào con mắt cú vọ của tên mật thám địch đang lặng nhìn quan sát. Lập tức địch tổ chức bao vây xung quanh đám lục bình dưới sông và bắt được đồng chí Hai Cường, sau đó nó “tóm” luôn bà Tám về bót. Chúng đánh đập dã man cả hai người, bắt phải khai mau. Nhưng sự hung hãn của kẻ thù đâu dễ khuất phục được khí tiết của người cộng sản. Sau cái nháy mắt của đồng chí Hai Cường, bà Tám hiểu phải đối phó như thế nào. Nháy mắt vừa xong, Hai Cường chửi như tát nước vào mặt bà Tám: “Đồ con mẹ phản dân hại nước. Tao đi mò cá sao mày dám nói tao là Việt cộng để mấy anh quốc gia bắt tao hả…?”. Chửi bà Tám rồi, ông Cường quay sang nói với tụi lính: “… Đó! Các ông hỏi con mẹ đó đi, nếu nó nói tôi là việt cộng thì các ông đem bắn tôi luôn, giam làm gì cho tốn cơm…”. Sau màn kịch, chửi bới om sòm của ông Hai Cường, tụi lính có vẻ lúng túng, không đánh đập nữa nhưng chúng vẫn giam hai người lại để điều tra.

Một tháng sau, ông Trần Tấn Lộc (Bảy Tra) là lính ngụy, chồng của bà Tám từ Sài Gòn lên thẳng trại giam cũng chửi thằng vào mặt bà: “… Bà có thấy tôi đang vận bộ đồ gì không, sao lại đi nghe lời Việt cộng. Đồ ngu... cho bà đáng đời…!”. Đồng chí chửi, chồng chửi nhưng bà Tám vẫn một mực im lặng không khai gì hết. Sau ba tháng, không có chứng cứ địch buộc phải thả Hai Cường và bà Tám về.

Biết là cơ sở của mình chưa bị lộ, ra tù bà Tám tiếp tục lao vào hoạt động cách mạng. Nhiệm vụ trên giao cho bà lúc này là mua lương thực, thuốc men dự trữ cho bộ đội, đào hầm nuôi giấu cán bộ và các con em của cán bộ đang chiến đấu ngoài chiến trường, rồi phải thăm dò, làm công tác địch vận kêu gọi lính ngụy trở về... Bỗng một hôm, vào năm 1973, có một cô gái nhà ở sát bên vô tình nói cho địch nghe, nhà bà Tám nuôi ba đứa nhỏ con Việt cộng. Ngay tức khắc, một cuộc bố ráp của địch được triển khai tại nhà bà. May thay, nhờ linh tính trước sự việc, nên bà Tám đã giao cho mẹ ruột của mình dẫn các cháu nhỏ đi trốn kịp thời. Không tìm được chứng cứ nhưng địch vẫn lôi bà về bót Phú Hòa. Bà kể, lần này địch nó đánh tôi dã man. Khi tụi lính vừa dẫn tôi vào trước sân, tên sĩ quan phía trong chạy ra đá song phi vào mặt tôi một cú trời giáng. Tôi văng ra xa 3m, máu me đầm đìa, ngất xỉu.

Những ngày mẹ bị bắt, ba đi lính ngụy, em bé Tâm lúc đó mới 12 tuổi bơ vơ một mình. Thương mẹ, Tâm bỏ học, hàng ngày phải đi nhặt rau vào khu lò chén bán lấy tiền mua cơm vào thăm mẹ. Đến nhà tù, lính không cho vào, em phải bò ra cửa sau, đứng ngoài hàng rào nhìn mẹ rồi ném cơm vào cho mẹ. Hai mẹ con lúc ấy chỉ biết nhìn nhau mà khóc nức nở. Suốt ba tháng trời như vậy, Tâm bỏ học, mò cua bắt ốc, nhặt rau rừng bán mua cơm nuôi mẹ ở tù. Người em gầy đi, mỗi lần gặp, bà Tám nghẹn ngào trong nước mắt.

Chúng tôi ngồi lắng nghe câu chuyện về cuộc đời của mẹ con bà Tám mà lòng trào dâng xúc động. Mặc dù, trước đó ông Nguyễn Minh Giao, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nói: “Đây là một gia đình có công lớn với cách mạng, em nên đến tìm hiểu…”. Và bây giờ thì tôi đã hiểu, vì sao hai mẹ con đến nay vẫn quấn quýt bên nhau mãi vậy.

Cũng như lần trước, địch không tìm được chứng cứ nên phải thả bà Tám. Lần thoát khỏi ngục tù này, hai mẹ con bà càng sục sôi ý chí căm thù giặc, hăng hái hoạt động cách mạng. Em Tâm lúc này đã 16 tuổi, xung phong công tác giao liên, đưa tài liệu mật cho bộ đội. Ngày 30-4-1975, chị cùng với hàng trăm thanh niên rầm rộ xuống đường, hòa vào dòng người đang bừng bừng khí thế, kêu gọi địch buông vũ khí đầu hàng. Sau này chị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

Mùa xuân năm 1975 đã đến. Thời khắc đất nước thống nhất đang đến từng ngày. Đất Sông Bé như bùng lên ngọn lửa cách mạng được nung nấu hơn 30 năm đằng đẵng nay đang chực vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Ông Nguyễn Văn Lực, người chỉ huy cánh quân phía nam tiến về giải phóng thị xã Thủ Dầu Một liền gọi bà Tám lên giao nhiệm vụ: “Đồng chí đi vận động con em mình đi lính cho địch về, kẻo ta đánh vào họ chết tội lắm…”. Nghe vậy, bà Tám nói luôn: “Vậy tôi có phải gọi chồng tôi, ông Bảy Tra đi lính cho địch về không?”. Đồng chí Lực trả lời: Không cần! Bà Tám không thể ngờ, trong ngày quân ta tiến về giải phóng tỉnh nhà thì chồng bà - ông Trần Tấn Lộc, tức Bảy Tra là cán bộ đang dẫn đầu đoàn quân giải phóng tiếp quản thị xã. Thì ra, việc ông đi lính cho địch là do tổ chức ta cài vào. Và việc trước đây ông mặc bộ đồ sĩ quan ngụy vào tận nhà tù chửi bà xối xả chỉ là nhằm đánh lạc hướng kẻ thù.

Chiến tranh là thế! Ngay cả vợ chồng vẫn giữ bí mật lẫn nhau. Đó cũng là một sự hy sinh vô bờ bến mà chỉ có được ở dân tộc Việt Nam bất khuất. Xin tạm dừng câu chuyện về hai mẹ con bà Tám ở đây. Chúng tôi ra về mà trong lòng mang nặng những cảm xúc thật khó tả. Vâng! Mẹ Việt Nam là huyền thoại có thật. Là tượng đài mãi mãi trong lòng thế hệ trẻ chúng tôi.

KIẾN GIANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên