Hạn chế các vụ án giết người và cố ý gây thương tích: Thực trạng và giải pháp - Bài cuối: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Cập nhật: 14-11-2016 | 08:30:29

Để kéo giảm các vụ án giết người và cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, từ đó tạo môi trường sống lành mạnh…


Lực lượng Cảnh sát cơ động CA tỉnh tuần tra giữ gìn an ninh trật tự về đêm. Ảnh: P.V

Chủ động phòng ngừa

Hiện toàn tỉnh có 91/91 xã, phường, thị trấn thành lập CLB phòng chống tội phạm với 4.279 thành viên; 421 đội thanh niên xung kích với 2.167 thành viên. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phối hợp thành lập được 9 mô hình điểm “MTTQ tham gia phòng chống tội phạm”, 6 mô hình “MTTQ tham gia phòng chống ma túy” và nhiều mô hình khác. Đây chính là những mô hình góp phần vào việc chủ động phòng ngừa tội phạm tại cơ sở.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết nhằm tạo điều kiện cho người lầm lỡ, thanh niên chậm tiến hòa nhập cộng đồng và có việc làm ổn định, thời gian qua Tỉnh đoàn Bình Dương và Công an (CA) tỉnh đã có nhiều chương trình như: Phối hợp hành động phòng chống ma túy trong thanh niên; phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên… Trong đó một số hoạt động nhận được sự quan tâm như Tỉnh đoàn phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên và các trại giam An Phước, Tống Lê Chân… tổ chức hội trại Thắp sáng ước mơ hoàn lương; tổ chức tọa đàm, gặp gỡ những thanh niên lầm lỡ tham gia cải tạo tốt trở về hòa nhập cộng đồng; thăm tặng quà cho các con em phạm nhân đang chấp hành án…

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, để kéo giảm các vụ án hình sự trên địa bàn, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp như phối hợp cùng CA, trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức các lớp phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho các hội viên, tuyên truyền, trợ giúp pháp lý miễn phí cho nữ công nhân… Bên cạnh đó, hội các cấp đã tập trung phát động phong trào vận động cán bộ, hội viên và các thành viên trong gia đình tích cực tham gia phòng chống, tố giác tội phạm, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở và quản lý, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến.

Cũng theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, hiện nay các cấp hội trong tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình góp phần đáng kể cho việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho người dân, góp phần kéo giảm các vụ án hình sự. Điển hình như mô hình “Chi hội phụ nữ không có ma túy” của TP.Thủ Dầu Một; mô hình “Ngôi nhà xanh”, “Lá chắn” của TX.Tân Uyên, TX.Dĩ An; mô hình “Nam giới là điểm tựa cho phụ nữ” tại TX.Bến Cát…

Ông Trần Thanh Hoàng, Phó Chánh án Tòa án tỉnh cho biết để công tác tuyên truyền pháp luật đến với người dân được thuận tiện, hiệu quả, công tác xét xử án lưu động luôn được TAND tỉnh chú trọng. Từ ngày 1-1-2014 đến ngày 30-6-2016, TAND tỉnh đã xét xử lưu động 65 vụ án hình sự, trong đó chú trọng công tác xét xử lưu động đối với các vụ án được liên ngành CA, Viện Kiểm sát, Tòa án chọn là án điểm, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. “Nhìn chung, các phiên tòa lưu động đều thu hút đông đảo người dân đến theo dõi. Ngoài ra, sự phối hợp tích cực của chính quyền các xã, phường nơi xét xử lưu động, diễn biến phiên tòa được phát thanh trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương đã góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân”, ông Hoàng cho biết.

Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở

 Ông ĐẶNG MINH HƯNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 138 tỉnh:

Để hạn chế, ngăn chặn các vụ án do nguyên nhân xã hội, các đoàn thể, ngành chức năng cần chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật làm sao có hiệu quả, nhất là đối với đội ngũ công nhân lao động, người ở trọ. Ngoài việc can thiệp, xử lý kịp thời các mâu thuẫn dễ phát sinh thành các vụ án của các cơ quan chức năng thì vai trò hòa giải ở cơ sở là rất quan trọng.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 138 tỉnh cho rằng để hạn chế, ngăn chặn các vụ án do nguyên nhân xã hội, các đoàn thể, ngành chức năng cần chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật làm sao có hiệu quả, nhất là đối với đội ngũ công nhân lao động, người ở trọ. Ngoài việc can thiệp, xử lý kịp thời các mâu thuẫn dễ phát sinh thành các vụ án của các cơ quan chức năng thì vai trò hòa giải ở cơ sở là rất quan trọng, có thể chủ động ngăn ngừa được các vụ án giết người, cố ý gây thương tích xuất phát do nguyên nhân xã hội.

Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết công tác hòa giải ở cơ sở cần vận dụng một cách khéo léo, hợp lý, hợp tình. Việc đơn giản thì áp dụng tình làng nghĩa xóm để hòa giải. Việc căng thẳng thì dùng pháp luật để giáo dục, răn đe. Do đó nhiều vụ việc xảy ra ở các địa phương hầu hết đều được hòa giải thành, góp phần không để phát sinh các vụ án giết người, cố ý gây thương tích.

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 586 tổ hòa giải cơ sở với hơn 4.415 hòa giải viên. Đây là những người phụ trách công tác tại các ngành, đoàn thể và các cá nhân có uy tín tại địa phương. Mỗi khi ở địa phương có mâu thuẫn thì họ là người đầu tiên có mặt. Mỗi vụ việc các tổ hòa giải đều trực tiếp đến nơi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp để xác minh, tìm hiểu nguyên nhân, thảo luận và phân công thành viên gặp những người liên quan đến vụ việc để vận động, thuyết phục.

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hiện đã gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào khác ở địa phương. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình “Mặt trận Tổ quốc tham gia phòng chống tội phạm - ma túy” ở địa phương. Cùng với đó là sự đổi mới trong công tác tuyên truyền pháp luật, các buổi tuyên truyền được bố trí thời gian phù hợp, nội dung ngắn gọn, gần gũi, sát thực tế.

Theo đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc CA tỉnh, tội phạm nói chung và tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội diễn biến ngày càng phức tạp. Để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm dạng này đạt hiệu quả cao, CA các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện các mặt công tác như: Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia có trách nhiệm hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích; đề ra nhiều hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình, đối tượng; CA các đơn vị, địa phương phát huy những mặt đã đạt được, tập trung chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những thiếu sót, hạn chế và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm theo kế hoạch đã đề ra…

Chủ động tuần tra

Để chủ động trong công tác tấn công tội phạm, thời gian qua CA các địa phương đã tăng cường công tác tuần tra nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp mang theo hung khí gây rối, đánh nhau. Trong công tác tuần tra, lực lượng CA luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết tấn công tội phạm. Thời gian qua, từ công tác tuần tra, lực lượng CA đã phát hiện 126 vụ, 184 đối tượng mang theo hung khí, vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép. Có 46 vụ, 117 đối tượng phát sinh mâu thuẫn đánh nhau gây mất an ninh trật tự bị lực lượng tuần tra phát hiện, xử lý.

 

NHÓM P.V 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên