Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành động khiêu khích

Cập nhật: 15-06-2016 | 19:52:12

Binh sỹ Hàn Quốc tuần tra tại tuyến đường dẫn tới khu công nghiệp Kaesong ở thành phố biên giới Paju, gần Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền, ngày 8-1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhân dịp 16 năm ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên, Hàn Quốc ngày 15-6 đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và ngừng các hành động khiêu khích.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Phó Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Park Soo-jin tại một cuộc họp báo nói: “Các hành động của Triều Tiên gây phương hại tinh thần của các thỏa thuận liên Triều. Họ cần ngừng đe dọa bằng các hành động khiêu khích và từ bỏ vũ khí hạt nhân để có được mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai bên, hướng tới thống nhất hòa bình.”

Cũng nhân dịp này, Triều Tiên cho rằng việc thực hiện tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử vào ngày 15-6-2000 giữa lãnh đạo hai miền khi đó là Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng có vai trò then chốt đối với việc cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Yonhap trích dẫn bài xã luận trên tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên nhấn mạnh: “Hàn Quốc cần ngừng các hành động đối đầu và chấp nhận đề nghị đối thoại mà chúng ta đã đưa ra.”

Ngày 10-6, Triều Tiên đã đưa ra đề xuất đối thoại với Hàn Quốc vào ngày 15-8 tới để thảo luận việc tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên “dựa trên ước nguyện cháy bỏng cải thiện mối quan hệ liên Triều và hoàn thành sự nghiệp tái thống nhất thông qua nỗ lực đồng bộ của toàn thể người Triều Tiên.”

Động thái này là một phần trong các nỗ lực nhằm thống nhất Bán đảo Triều Tiên được nêu ra trong chính sách được thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên tháng trước.

Kể từ sau đại hội đảng, Triều Tiên đã nhiều lần đề nghị Hàn Quốc tiến hành đàm phán nhưng Seoul vẫn luôn bác bỏ vì cho rằng những đề nghị trên thiếu chân thành, đồng thời nhấn mạnh trước hết Bình Nhưỡng phải tái khẳng định cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi nối lại bất kỳ cuộc đàm phán nào./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên