Hàng Việt khẳng định vị trí trong lòng người Việt

Cập nhật: 21-11-2015 | 09:21:46

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được triển khai sâu rộng trong cả nước và đã tạo sức lan tỏa tích cực. Hiện nay, hàng Việt không chỉ chiếm ưu thế tại các đô thị lớn mà còn được người dân vùng nông thôn ưa chuộng, cho thấy những thành công mà CVĐ mang lại.


Người tiêu dùng ngày càng quan tâm lựa chọn hàng Việt.
Trong ảnh: Người dân mua hàng Việt tại phiên chợ dành cho thanh niên công nhân ở TX.Bến Cát vừa qua. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Tạo sức lan tỏa

Thành công của CVĐ không chỉ tại các đô thị lớn mà còn đến từ chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Chương trình đã tạo được uy tín đối với người tiêu dùng, đồng thời góp phần làm thay đổi tâm lý của người mua sắm vùng nông thôn.

Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã tổ chức 13 “Phiên chợ vui - Hàng Việt về nông thôn” thu hút hơn 58.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Bình quân mỗi phiên chợ quy tụ từ 20 - 25 doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn đều bán hàng giá ưu đãi cùng nhiều chương trình khuyến mãi đi kèm. Các phiên chợ hàng Việt là cơ hội để doanh nghiệp Việt quảng bá thương hiệu hàng hóa của mình đến người tiêu dùng trong nước, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại & Thông tin kinh tế (Sở Công thương) cho biết, khi tham gia các phiên chợ doanh nghiệp không chỉ được tạo nhiều cơ hội như tận dụng không gian rộng, các chương trình tuyên truyền, quảng bá sản phẩm… mà còn được hỗ trợ một phần kinh phí mặt bằng. Trong khi đó, người dân khi đến với phiên chợ Việt cũng được tham gia nhiều hoạt động văn hóa- văn nghệ, các chương trình nghệ thuật, từ thiện… trong suốt quá trình diễn ra phiên chợ. Đây cũng là cơ hội để người dân mua sắm hàng Việt Nam chất lượng tốt với giá rẻ, an toàn.

Anh Nguyễn Văn Giang, ở ấp Long Điền, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng chia sẻ, gia đình anh thường tranh thủ mua sắm tại các phiên chợ hàng Việt, bởi hàng hóa bán tại phiên chợ có nhiều loại mà ở chợ địa phương không bán như: một số mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến, đồ gia dụng và cả hàng đặc sản vùng miền với giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm. Điều quan trọng hơn là mua hàng tại các phiên chợ này không xảy ra tình trạng mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, riêng từ đầu năm đến nay, siêu thị đã đầu tư hơn 180 tỷ đồng thực hiện các chương trình hưởng ứng CVĐ. Siêu thị đã thực hiện chương trình hành động “Tự hào hàng Việt” nhằm tăng sức mua hàng Việt của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng hình ảnh siêu thị thuần Việt, gần gũi, thân thiện với người tiêu dùng, siêu thị luôn ưu tiên quảng bá, kinh doanh hàng Việt. Hiện có đến hơn 95% hàng hóa tại siêu thị là hàng Việt Nam. Các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, thân thiện môi trường luôn được siêu thị ưu tiên trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó đơn vị đã phát triển được nguồn hàng Việt phong phú, chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Hàng Việt chiếm ưu thế

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm... hàng Việt đang chiếm lĩnh thị trường. Cụ thể, hàng Việt luôn chiếm ưu thế trong tổng lượng hàng hóa tại các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Vinatex Mart... Tại các chợ lớn trong cả nước nói chung và tại Bình Dương nói riêng, hàng Việt Nam cũng đang chiếm đa số.

Từ việc tạo được uy tín đối với người tiêu dùng, CVĐ đã góp phần làm thay đổi tâm lý mua sắm của người dân. Theo khảo sát mới đây, tại Bình Dương có 71% người dân địa phương ưu tiên mua sắm hàng Việt. Tỷ lệ hàng Việt Nam trong số hàng hóa được bày bán tại các chợ truyền thống đạt bình quân 77%; tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích khoảng 88%. Hàng Việt đã hiện diện khắp nơi, từ các chợ trung tâm đến các chợ nông thôn; từ các mặt hàng tiêu dùng cho đến nông sản trái cây.

Các tiểu thương cũng trở thành kênh tuyên truyền hàng Việt hiệu quả. Chị Phạm Thị Bình, tiểu thương kinh doanh tại chợ Long Nguyên, huyện Bàu Bàng chia sẻ: “Tôi bán hàng và thường xuyên giới thiệu đến mọi người về hàng Việt Nam, bởi hàng Việt vừa có giá cả hợp lý vừa có mẫu mã đẹp. Hơn nữa, thời gian gần đây khi mua sắm, đa số khách hàng đều quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra kỹ nhãn mác nên khi nhập hàng tại quầy của tôi, 95% hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm này bán khá chạy”.

CVĐ đã lan tỏa và tác động tích cực đến đời sống xã hội, giúp người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó làm thay đổi thái độ, hành vi mua sắm và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt. Đây chính là thành công bước đầu để tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện thành công chương trình hành động “Tự hào hàng Việt”. Bình Dương cũng phấn đấu đến năm 2020, các sở, ban, ngành, 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt”; hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn.

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên