Hành trình đưa các anh về…

Cập nhật: 06-09-2017 | 09:59:46

Trong đợt tìm kiếm thứ hai tại khu vực mộ tập thể liệt sĩ ở ấp Dòng Sỏi, xã An Tây, TX.Bến Cát, khi trải qua nhiều ngày dày công mà vẫn chưa xuất hiện thêm thông tin, dấu hiệu gì, nét đượm buồn đã hiện rõ trên từng khuôn mặt cháy nắng từ người chỉ huy đến các thành viên lực lượng tìm kiếm. Bởi chỉ còn 1 ngày nữa thôi, nếu không tìm thấy các anh, chiến dịch có thể phải kết thúc. Cụ Bền và ông Hoàng lặng lẽ trở về lều chỉ huy, thắp nén hương nghiêng mình trước bàn thờ nghi ngút khói thành kính cầu nguyện... Trời đang nắng chói chang bỗng xuất hiện cơn mưa rào cùng với tiếng hô đầy mừng vui của chỉ huy đội tìm kiếm: “Dừng lại, thấy rồi”!

Bất kể đường xa cùng cái nắng hừng hực giữa đồng vắng, cụ Trần Văn Bền, 82 tuổi (ấp Lồ Ồ, xã An Tây, TX.Bến Cát) sáng nào cũng đi bộ từ nhà ra khu vực tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ tại ấp Dòng Sỏi để vừa xem lực lượng phối hợp tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, vừa tham gia góp ý, chỉ đường khi có yêu cầu. Còn ông Đặng Văn Hoàng, người có nhiều năm gắn bó với khu vực này từ sau ngày giải phóng đến nay nói: “Nơi đây là gò cao, hồi trước là nông trường, sau này được trồng cao su, có nhiều mồ mả liệt sĩ tại đây, ai cũng biết. Hồi còn trẻ, tôi làm ở nông trường, thường lên gò này ngồi nghỉ trưa vì có gió mát lắm. Dù cảnh vật đến nay đã thay đổi nhiều nhưng ai đã từng gắn bó nơi đây đều có thể nhớ ra hết” .

Từ đợt tìm kiếm thứ hai theo kế hoạch là 10 ngày (từ ngày 5-7 đến ngày 15-7-2017), lực lượng tìm kiếm sử dụng cơ giới kết hợp với thủ công để mở rộng khu vực tìm kiếm ra tận hàng rào, các thành viên làm việc rất tích cực, nhưng đến ngày thứ 9 vẫn chưa thấy thêm một tin tức, dấu hiệu gì mới. Vẻ buồn rầu hiện lên trên khuôn mặt từng người, kể cả những người dân địa phương đến đây để cung cấp thông tin như cụ Bền, ông Hoàng. Dù chưa tìm thấy thông tin, dấu tích, nhưng tất cả đều có niềm tin là còn hài cốt liệt sĩ nằm đâu đó trong khu đất này. Do số lượng hài cốt được tìm thấy cho đến giờ, so với số mồ mả mà người dân địa phương nhìn thấy sau ngày giải phóng là chưa tương xứng. Nghĩ vậy, cụ Bền đã dắt ông Hoàng vô lều Ban chỉ huy, nơi đặt bàn thờ và lưu giữ hài cốt, di vật tìm kiếm được trước đó, cùng thắp nhang khấn nguyện. “Con cháu chúng tôi biết các anh các chú lúc hy sinh còn trẻ thích vui đùa, nhưng rất kỷ luật và kiên cường. Các cháu ngoài kia đang vất vả tìm kiếm các anh các chú để đưa về an nghỉ cùng đồng đội. Hãy chỉ cho các cháu chỗ nằm, đừng để ai còn sót lại, vì khu đất này đã được quy hoạch làm khu công nghiệp…”. Vừa khấn xong, hai người cùng bước ra ngoài lều, khi ấy, trời đang nắng chói chang bỗng xuất hiện cơn mưa rào mát rượi. Ngoài kia, tiếng cán bộ chỉ huy tìm kiếm hô lên vui mừng: “Dừng lại, đã thấy các bác, các chú rồi” !


Một số hình ảnh trong tập album được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ chưa biết tên tại ấp Dòng Sỏi.
Ảnh: D.CHÍ

Thượng úy Trần Chí Dũng, cán bộ Ban Chính sách (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), người được phân công phụ trách lực lượng tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ tại ấp Dòng Sỏi xác nhận: “Lực lượng tìm kiếm dùng phương tiện cơ giới lật gần hết khu đất nằm về phía nam sát hàng rào khu công nghiệp nhưng vẫn không phát hiện tin tức hay bất cứ di vật gì liên quan. Thời gian sắp hết mà chưa mang lại kết quả gì nên ai nấy đều thấy buồn. Không phải anh em buồn vì mệt mà buồn vì nếu có ai đó trong số các liệt sĩ còn sót lại nơi đây, sau này khu công nghiệp xây lên sẽ mất hết dấu vết, biết đâu mà tìm”.

Cách hố đào tìm kiếm bằng cơ giới chừng vài chục mét về phía Bắc là khu vực cất bốc hài cốt liệt sĩ, được xác định là nghĩa trang dã chiến vì các huyệt mộ được chôn ngay hàng thẳng lối. Mộ cách mộ chỉ 1 mét thẳng tắp theo hướng Bắc - Nam như hàng quân danh dự. Tại hố số 69, đại tá Trương Bình Long, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang có mặt chỉ đạo anh em phải tìm thật kỹ, thật nhẹ nhàng, không để sót bất cứ di vật nào. Ông Long phân tích: “So với hố khai quật số 1 ngay đầu hàng rào, do nằm gần đường giao thông nên bị tác động mạnh đến quá trình phân hủy. Càng lùi xa đường giao thông thì di vật, hài cốt còn lại khá tốt. Chúng tôi rất xúc động khi tìm thấy dưới hố khai quật những túi tử sĩ được mai táng rất cẩn thận, ngay ngắn. Sau 40 năm, 50 năm nằm sâu dưới lòng đất mà vẫn giữ nguyên tình cảm đồng chí, đồng đội khi khâm liệm, chôn cất. Anh em cũng không kìm được nước mắt khi phát hiện những hố chôn mà ở đó cũng có đầy đủ túi tử sĩ, tăng võng, áo mưa được gói gọn trong chỉ một khoảnh đất nhỏ. Khi mở túi ra mọi người đều nín lặng vì màu trắng của xương cốt liệt sĩ không có bao nhiêu, mà màu vàng của kim loại bị rỉ sét thì chiếm số nhiều. Đó là những mảnh bom, mảnh đạn lẫn trong cơ thể của các liệt sĩ được đồng đội tìm thấy, chôn cất trong thời gian chiến tranh!”.

Đại tá Trương Bình Long cũng xác nhận, đến thời điểm này, lực lượng tìm kiếm, khai quật đã tìm thấy rất nhiều di vật, kỷ vật của các liệt sĩ như lọ thuốc Penicicline, thắt lưng nam, nữ, áo bà ba, nhẫn kim loại, lược chải tóc… Đặc biệt, gần đây lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy một tập album có hình ảnh mà người trong ảnh mặc quân phục rất chỉnh tề, mang quân hàm thượng úy, cùng hình ảnh gia đình. Phía sau các tấm ảnh vẫn còn dòng chữ “Quảng Xương Thanh Hóa” và chữ “Thanh” nằm giữa các chữ khác không đọc được. Có thể đây là chữ lót tên của một người nào đó!

Vì sao ngay tại “chảo lửa” của chiến tranh mà vẫn hình thành được nghĩa trang liệt sĩ được chôn cất ngay hàng thẳng lối như một hàng quân tiến thẳng từ Bắc xuống Nam như vậy? Đại tá Trương Bình Long chia sẻ: “Thời chiến, hồ sơ quân nhân nhằm trên vai của người chiến sĩ. Dù trong bom đạn chiến tranh nhưng sau mỗi trận đánh, chỉ huy đơn vị luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ. Nên cứ cách mặt trận vài cây số thường có nơi tập kết của các đơn vị hậu cần như trạm xá, quân nhu, trong đó có cả nghĩa trang liệt sĩ. Do điều kiện chiến tranh, các đơn vị phải giữ bí mật địa điểm và dùng các mật hiệu thông dụng như đại đội ghi là K, E là trung đoàn, F là sư đoàn, có khi ghi là công trường… Nên trong giấy báo tử gửi về gia đình, nhiều khi người thân không biết nơi đâu mà tìm vì không có địa danh cụ thể. Cũng có khi người ghi giấy báo tử, người chỉ huy đơn vị sau khi lập hồ sơ cho đồng đội thì tiếp tục hành quân và cũng đã hy sinh trên đường chiến đấu…”. Còn những người tham gia khai quật thì tự lý giải rằng: Dãy huyệt mộ liệt sĩ được chôn cất thẳng tắp như một hàng quân hướng mặt từ Bắc xuống Nam là để thể hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của đoàn quân giải phóng!

 “Tháng 7-1975, bộ đội có đánh xe về đây cất bốc hài cốt liệt sĩ mang về nghĩa trang chôn cất, nhưng cũng còn lại rất nhiều mồ mả. Do không người trông coi, số mồ mả đắp bằng đất, gặp mưa gió kéo dài chỉ còn lại gò đất. Sau đó lực lượng thanh niên xung phong TP.Hồ Chí Minh về đây khai hoang, trồng cây công nghiệp, đã phát hiện ra một vài trường hợp xương người được bọc trong các túi tử sĩ cùng nhiều di vật nghi là của bộ đội. Sự việc được báo cáo về trên, khu đất này được khoanh vùng. Thời gian sau, thanh niên xung phong rút đi, địa phương tiếp quản trồng cao su, tôi được phân công làm bảo vệ nông trường nên nhớ rất rõ khu đất này. Đến khi quy hoạch khu công nghiệp, khu đất được bàn giao cho doanh nghiệp xây hàng rào. Lúc đó, tôi mới sực nhớ và ra phường trình bày sự việc. Con trai tôi là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường cũng đã báo cáo sự việc này với lãnh đạo UBND phường, UBND TX.Bến Cát. Đích thân Phó Chủ tịch UBND thị xã về tận nhà gặp tôi và yêu cầu vẽ lại bản đồ. Tôi lấy giấy, viết ra gạch ô vuông rồi so sánh các cột mốc ngày xưa cùng với những dấu tích còn lại ngày nay như nhà bảo vệ nông trường, đường mòn… Tìm được các chú, các anh đưa về cùng đồng đội là tôi đã mãn nguyện...”.

(Ông Đặng Văn Hoàng, người dân tham gia cùng lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại ấp Dòng Sỏi)

 

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên