“Hạt giống đỏ” vùng Chiến khu Đ

Cập nhật: 24-01-2014 | 00:00:00

Kỳ 3: Sức lan tỏa của Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa

>>Kỳ 1: Dưới ngọn cờ của Đảng

>>Kỳ 2: Những hạt nhân tiêu biểu

Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa ra đời, nhiều phong trào đấu tranh giành tự do trong nhân dân được phát động. Tinh thần đấu tranh ấy không bó hẹp tại một địa phương mà lan rộng ra các xã lân cận, đặc biệt là các xã thuộc Chiến khu Đ: Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (Tân Uyên)… Từ đây, nhân dân vùng Chiến khu Đ đã vùng dậy, đoàn kết “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Sức mạnh lá cờ đầu

Ông Huỳnh Tư (SN 1929, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên), nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Thủ Dầu Một, cho biết: Ông tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Ông còn nhớ như in những ngày mới thoát ly, trực tiếp chứng kiến cảnh đánh đuổi giặc Pháp của quân và dân Tân Hòa, Mỹ Lộc (nay là Tân Mỹ). Ngày đó, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, trực tiếp là Chi bộ Mỹ Lộc, Tân Hòa, phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương tiếp tục phát triển lên một bước mới. Trong kháng chiến, dù không cân sức nhưng với ý chí kiên cường bất khuất, quân, dân Tân Mỹ đã tham gia trên 100 cuộc đấu tranh chính trị, trên 200 trận đánh của các lực lượng vũ trang của xã từ du kích độc lập đến phối hợp chủ lực chính quy với cách đánh địch bằng mọi sáng kiến, từ vũ khí tự tạo đến xây dựng các bãi mìn, bãi chông chống nhảy dù, các hầm chông, hố đinh… gây cho địch nhiều tổn thất liên tục đến khi buộc phải rút khỏi địa phương.

 

Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa ra đời đã khơi dậy phong trào đấu tranh trong nhân dân (hình ảnh vẽ lại cuộc đấu tranh đòi giảm thuế của nhân dân Tân Uyên)

Ông Huỳnh Văn Sáng (xã Tân Mỹ), tiếp lời: Tiếp nối thắng lợi của kháng chiến phống Pháp, chống đế quốc Mỹ, quân và dân Tân Mỹ không chỉ xuất sắc ngăn chặn và làm tiêu hao sinh lực địch khi chúng tiến vào Chiến khu Đ qua cửa ngõ Tân Mỹ mà còn góp phần làm phá sản các chiến lược, chiến thuật của địch tại địa phương. Tân Mỹ cũng là địa bàn đã diễn ra trận đánh thắng Mỹ đầu tiên ở cấp tiểu đoàn quân chủ lực tại miền Nam là trận Bà Sầm - Đất Cuốc (tháng 11-1965) không chỉ gây tiếng vang trong huyện mà còn vang xa cả miền Nam Việt Nam, góp phần làm bùng lên ngọn lửa chống Mỹ và thắng Mỹ…

Từ năm 1965-1975, tuy bị địch khủng bố biến địa phương thành vùng trắng, dù có bị gom đi nơi khác nhưng người dân Tân Mỹ vẫn một lòng hướng về Đảng, về cách mạng, đóng góp sức người, sức của phục vụ cho kháng chiến. Chi bộ Đảng, lực lượng du kích cùng nhân dân đã phối hợp chiến đấu trên 300 trận đánh lớn, nhỏ theo khẩu hiệu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Nắm chắc tình hình giữa ta và địch, các đời bí thư Chi bộ Mỹ Lộc - Tân Hòa đã vận dụng nhuần nhuyễn ba nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Cùng với sự chỉ đạo của tổ chức Đảng, Chi bộ Đảng Tân Mỹ đã khéo léo lái con thuyền cách mạng của xã nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng lúc cao trào cũng như thoái trào, chi bộ luôn thể hiện vai trò lèo lái của mình. Với những thành tích mà quân và dân Tân Mỹ có được trong 2 cuộc kháng chiến đã được Nhà nước ghi nhận công lao to lớn, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, Tân Mỹ được Chủ tịch nước phong tặng xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Sức mạnh đoàn kết khi có Đảng lãnh đạo (quân, dân Tân Uyên cùng quân dân các địa phương tiến về tỉnh lỵ Biên Hòa giành chính quyền tháng 8-1945)

Tiếp bước ngọn cờ Đảng

Năm 1937, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa, nhân dân 4 xã Tân Hòa, Mỹ Lộc, Thường Lang, Tân Tịch tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với bọn hào lý địa phương đòi khất hoặc hủy bỏ thuế thân. Cũng thời điểm đó, nhân dân xã Lạc An cũng đã xuống đường biểu tình, đánh trả để đòi sự công bằng. Tại Lạc An, cuối năm 1936, sau khi Chi bộ Đảng Mỹ Lộc, Tân Hòa ra đời, chi bộ đã lãnh đạo quần chúng trong vùng, trong đó có Lạc An, hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội với nhiều hình thức đấu tranh hợp pháp công khai, như: Đòi bỏ sưu thuế, đòi quyền tự do đi lại, cư trú. Lúc này, các đảng viên của chi bộ đã về Lạc An xây dựng được 4 nòng cốt của Đảng gồm có đồng chí: Nguyễn Kim Ngân, Lê Văn Lòng, Nguyễn Văn Giáo, Văn Công Khởi… đây là những “hạt nhân” để tiến đến thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên xã Lạc An. Ông Sáu Mộc (Võ Văn Mộc, SN 1939, Lạc An, Tân Uyên), cho biết: Sức lan tỏa của Chi bộ Mỹ Lộc - Tân Hòa đối với Lạc An rất lớn. Từ sự ảnh hưởng đó, quân dân Lạc An đã đứng lên đấu tranh giành lấy độc lập. Kết quả trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đội du kích xã tham gia đánh trên 300 trận lớn, nhỏ, riêng du kích đánh độc lập trên 150 trận; loại khỏi vòng chiến gần 300 tên địch, riêng chống Mỹ diệt và làm bị thương 227 tên, trong đó 27 tên Mỹ, thu 117 súng các loại; bắn rơi 1 máy bay, bắn hỏng 2 tàu chiến; phá và đốt 4 cầu (8 lần phá hỏng); diệt trên 25 ác ôn có nợ máu; 4 lần đấu tranh tập trung ngoài xã và trên 100 lần đấu tranh tại địa phương với bọn tề, xã tại chỗ…

Đối với xã Thường Lang, Tân Tịch (nay là xã Thường Tân, Tân Uyên). Chi bộ Mỹ Lộc - Tân Hòa thành lập có ý nghĩa sâu sắc đến đồng bào trong huyện Tân Uyên nói chung, nhân dân xã Thường Lang, Tân Tịch nói riêng. Tại Thường Tân, các đồng chí đảng viên chi bộ đầu tiên thường xuyên đến vận động cách mạng trong nhân dân địa phương. Đặc biệt một số thanh niên Thường Lang, Tân Tịch như Năm Quyết, Hai Coi, Hai Tính, Hai Đạo, Út Rỡ, Út Khích… được ông Hai Liễn (Huỳnh Liễn, đảng viên Chi bộ Mỹ Lộc, Tân Hòa) tuyên truyền, vận động và sớm giác ngộ cách mạng trở thành quần chúng tích cực của Đảng. Các đồng chí đã vận động người dân hai xã tiếp tục đấu tranh hợp pháp với mục đích đòi dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân. Từ ảnh hưởng của Chi bộ Mỹ Lộc, phong trào cách mạng Thường Lang - Tân Tịch ngày càng phát triển sâu rộng. Từ đây, Ủy ban hành động của 2 xã hoạt động mạnh mẽ hơn. Một số tổ chức quần chúng tại xã như Nông hội đỏ, Hội Phụ nữ, Thanh niên được thành lập và tập hợp nhiều quần chúng tham gia. Năm 1937, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Mỹ Lộc, nhân dân Thường Lang - Tân Tịch cùng nhân dân Mỹ Lộc liên tiếp tổ chức những cuộc đấu tranh, biểu tình và bước đầu giành thắng lợi như đấu tranh với bọn hào lý tại địa phương đòi khất hoặc hoãn tiến tới hủy thuế thân tại mỗi xã. Ngoài ra, dưới sự ảnh hưởng của Chi bộ Mỹ Lộc, ngày càng nhiều người dân thể hiện lòng yêu nước, căm thù giặc và một số người Thường Tân đã “đi làm quốc sự”. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Thường Tân Nguyễn Văn Tiếng: Suốt chặng đường trên 30 năm kháng chiến, quân và dân Thường Tân sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, 157 người con của đất mẹ Thường Tân đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xưa, trở thành liệt sĩ. Thường Tân cũng có 5 mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 1 mẹ còn sống là mẹ Nguyễn Thị Đẹp ở tổ 15, ấp 4, xã Thường Tân. Hàng trăm gia đình có công với cách mạng, hàng trăm đồng bào bị địch bắt cầm tù, bị chết vì tham gia đấu tranh hoặc vì bom đạn của địch.

 

Về lại Tân Mỹ hôm nay có thể cảm nhận được những đổi thay của vùng đất này, đời sống của người dân đã thay đổi. Theo Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Lâm Thành Sự: Xã Tân Mỹ hiện nay không còn hộ nghèo. Xã căn bản xóa nghèo từ năm 2012. Đời sống người dân ngày càng được “nâng chất”, thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm; đạt 14/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới; 99,7% hộ sử dụng điện; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,5%; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường…

 

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên