Hãy bao dung, độ lượng với con

Cập nhật: 26-06-2017 | 08:11:38

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vừa khép lại. Đây là kỳ thi rất quan trọng, bởi vừa là “thước đo” tốt nghiệp phổ thông trung học, vừa lấy điểm xét tuyển vào đại học. Áp lực của kỳ thi do vậy cũng tăng hơn nhiều đối với thí sinh tham gia kỳ thi này. Tất nhiên đã thi thì có đậu, có rớt. Câu hỏi đặt ra cho các bậc phụ huynh có con tham gia dự thi đợt này là nếu con mình thi rớt thì sao? Lời khuyên là hãy bao dung, độ lượng với con, tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có giải pháp, đừng nặng nhẹ với “cú sốc” đầu đời của con.

Với sự kỳ vọng vào con, rất ít phụ huynh chuẩn bị trước tâm lý cho phương án con mình thi rớt. Vì không chuẩn bị trước tâm lý này nên phụ huynh dễ rơi vào tình trạng hụt hẫng, mất bình tĩnh dẫn đến quát tháo, mắng mỏ, chì chiết con khi nghe tin con thi rớt. Không ít phụ huynh vừa đập bàn đá ghế, vừa than khóc kể lể công sức nuôi dạy con cái khi biết con thi rớt. Trong số đó chắc chắn có những phụ huynh chỉ vì sự sĩ diện của riêng mình! Và, hệ lụy của những hành động, lời nói thiếu suy nghĩ trong lúc nóng giận vô tình đẩy con vào vòng xoáy cuộc đời. Có bao nhiêu học sinh ngoan hiền chỉ vì thi rớt kỳ thi THPT mà trở thành đứa con bất trị? Có bao nhiêu học sinh thi rớt kỳ thi THPT đã bỏ nhà đi bụi vì không chịu nổi sự chì chiết của cha mẹ? Dẫu không có con số thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn là có, thậm chí không phải ít!

Để không rơi vào tình trạng trên, phụ huynh cần chuẩn bị trước tâm lý và hãy bao dung, độ lượng với con nếu con không đậu hoặc không đạt điểm cao trong kỳ thi này. Nếu con là học sinh khá giỏi mà thi rớt, hãy tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có giải pháp giúp con vượt qua “cú sốc” đầu đời. Thành bại cuộc đời con phụ thuộc rất nhiều vào sự chọn lựa cách ứng xử của cha mẹ khi con thi rớt. Nhỏ nhẹ, yêu thương, bao dung, độ lượng sẽ giúp con đứng dậy để đi tiếp. Hờn giận, chì chiết, trách cứ, mắng mỏ chỉ đẩy con xa mình để bước vào ngõ cụt, có khi phạm pháp vì sự thiếu hiểu biết của con. Điều quan trọng là đừng bao giờ đặt sự sĩ diện của mình lên trên, để rồi so sánh con mình với con người khác, bởi sẽ làm tổn thương, chạm đến lòng tự trọng, khiến con càng lánh xa cha mẹ.

Thi rớt là “cú sốc” đầu đời của con. Tâm lý tuổi mới lớn khiến con khó chấp nhận điều này. Và, nếu thiếu sự yêu thương, thấu hiểu của cha mẹ, có khi con sẽ làm điều khờ dại, ảnh hưởng đến tương lai cả cuộc đời con. Nếu con thi rớt, hãy nói với con rằng tương lai đời người không phụ thuộc vào một kỳ thi; rằng vẫn còn nhiều cánh cửa cho cuộc đời con. Con ham học, hãy tạo điều kiện để con học hành chờ kỳ thi tiếp theo. Con thích đi làm, cứ cho con toại nguyện. Con đam mê kinh doanh thì trợ giúp con thực hiện niềm đam mê đó. Hãy động viên con theo kiểu “thua keo này ta bày keo khác”; hãy dẫn chứng để con thấy rất nhiều người thành đạt mà không cần đến tấm bằng tốt nghiệp THPT hay đại học.

Thi rớt là nỗi buồn tột đỉnh của con. Yêu thương, độ lượng để dìu con đi qua khúc quanh cuộc đời, rồi từng bước khơi gợi để thấy sở trường của con là nhiệm vụ của cha mẹ. Có như vậy con sẽ không sa vào vũng lầy của những cám dỗ và phấn đấu vươn lên bằng sở trường của chính mình.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên