Hãy dành cho trẻ những gì tốt đẹp nhất

Cập nhật: 30-05-2017 | 08:47:10

 Đó là điều bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về Tháng hành động vì trẻ em (TE) năm 2017.

Nhân dịp Tháng hành động vì TE, Nhà thiếu nhi và Thư viện tỉnh trưng bày, triển lãm sách phục vụ TE

 - Thưa bà, công tác bảo vệ, chăm sóc TE trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện như thế nào?

- Công tác bảo vệ, chăm sóc TE trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua luôn được quan tâm, chú trọng từ tỉnh đến cơ sở. Ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch công tác TE; đồng thời tổ chức họp triển khai kế hoạch hoạt động bảo vệ chăm sóc TE với các phòng LĐ-TB&XH huyện, thị, thành phố; đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan thông qua ký hợp đồng trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông bảo vệ TE, phòng chống đuối nước TE. Mặt khác, ngành LĐ-TB&XH luôn chú trọng duy trì, đẩy mạnh các hoạt động mô hình câu lạc bộ (CLB) như: 100 CLB “Bảo vệ và trợ giúp TE có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng”; 45 CLB “TE với phòng chống HIV/AIDS”; 28 CLB “TE với phòng chống tai nạn thương tích”. Ngành cũng mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên phụ trách công tác TE trong toàn tỉnh; tổ chức một số chiến dịch truyền thông về bảo vệ TE...

- Tuy có nhiều nỗ lực chăm lo cho trẻ nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn TE bị bạo hành, xâm hại, đối với các em đó sẽ được quan tâm ra sao? Và sẽ có những động thái gì để tình trạng bạo hành, xâm hại TE giảm đến mức thấp nhất, thưa bà?

- Trường hợp TE bị bạo hành, xâm hại, ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành có liên quan nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin vụ việc, đồng thời tiến hành các biện pháp can thiệp, trợ giúp thích hợp theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH về quy trình can thiệp, trợ giúp TE bị bạo lực, bị xâm hại tình dục và hỗ trợ TE là người bị hại trong quá trình tố tụng theo quy định pháp luật.

Để tình trạng bạo hành, xâm hại TE giảm đến mức thấp nhất, ngay từ đầu năm, Sở LĐ- TB&XH đã có kế hoạch và đã chỉ đạo các phòng LĐ-TB&XH tổ chức các hoạt động tuyên truyền, chiến dịch truyền thông vận động xã hội trên các kênh thông tin đại chúng; các lớp tập huấn, tuyên truyền Luật TE và phòng, chống xâm hại, bạo lực TE. Qua đó kêu gọi các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội cùng hành động bảo vệ TE. Ngành đẩy mạnh công tác phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể có chức năng thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ TE...

- Thưa bà, hàng năm, đến tháng 6 các em lại háo hức chờ đợi các hoạt động Tháng hành động vì TE. Chủ đề Tháng hành động vì TE năm nay là gì? Ý nghĩa chủ đề đó?

- Tháng hành động vì TE năm nay được phát động với chủ đề “Triển khai Luật TE và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Chủ đề này mục đích thu hút sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, gia đình và xã hội vềý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE trong tình hình mới; tích cực vận động xã hội nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho TE nghèo, TE con công nhân sống trong các khu nhà trọ và TE có hoàn cảnh đặc biệt. Chủ đề đó cũng tạo điều kiện để tất cả TE có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh; hạn chế tối đa tình trạng TE bị bạo lực, bị xâm hại, tai nạn thương tích, bị đuối nước… trong dịp nghỉ hè do thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ của gia đình, nhà trường và xã hội.

- Để thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc TE trong thời gian tới, cũng như thực hiện được mục tiêu của chủ đề Tháng hành động vì TE, chúng ta cần phải làm gì, thưa bà?

- Trong Tháng hành động vì TE sẽ có các hoạt động như lễ phát động Tháng hành động vì TE cấp tỉnh và cấp huyện, thị, thành phố kết hợp khai mạc hè 2017 chủ đề “Triển khai Luật TE và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Sau lễ phát động là chương trình khởi đầu của mùa hè với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; lồng ghép tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho TE nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, sinh hoạt hè; học kỳ trong quân đội... Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ TE các cấp để xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ, như: Trang bị sân chơi cho TE; trao học bổng cho TE nghèo, TE có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, môi, phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ khuyết tật…

Ngành LĐ-TB&XH sẽ tổ chức diễn đàn TE cấp tỉnh; các hoạt động tuyên truyền, vận động xã hội trên các kênh thông tin đại chúng về Luật TE. Các sở, ngành có liên quan đồng bộ triển khai thực hiện các hoạt động hướng đến kỳ nghỉ hè an toàn; hướng dẫn kỹ năng cho TE về an toàn, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn, thương tích TE; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, ngành tổ chức dạy bơi miễn phí trong dịp hè bằng nguồn ngân sách tỉnh cho 1.100 trẻ thuộc hộ nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, để công tác bảo vệ TE được thực hiện tốt hơn cần có sự quan tâm, tham gia tích cực, chủ động của toàn cộng đồng, đặc biệt là sự quan tâm đúng mực của các bậc cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc, quản lý TE ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, cần đẩy mạnh phối hợp liên ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở, triển khai đồng bộ công tác bảo vệ TE và tạo môi trường an toàn lành mạnh xung quanh trẻ.

- Xin cảm ơn bà!

 

 THIÊN LÝ (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên