Hệ lụy từ “cày”… game

Cập nhật: 13-08-2018 | 14:00:11

Nhằm phục vụ cho nhiều game thủ, thời gian qua, nhiều tiệm internet trên địa bàn tỉnh hoạt động thâu đêm và tổ chức như một “ổ game”. Với hình thức hoạt động thâu đêm theo kiểu “trọn gói” của nhiều tiệm internet đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. P.V Báo Bình Dương đã thâm nhập thực tế để phản ánh tình trạng này.

Tiệm interenet “lo trọn gói”

Theo quy định của pháp luật, tiệm dịch vụ internet không được phép hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, để có thêm lợi nhuận, thời gian qua, nhiều tiệm internet trên địa bàn tỉnh đã cho hoạt động xuyên suốt 24 giờ trong ngày. Một số chủ tiệm đã chia không gian tiệm internet thành 2 khu riêng biệt để đáp ứng theo nhu cầu của “thượng đế”.


Nhiều bạn trẻ mải mê “cày game” thâu đêm, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy trong cuộc sống

Cụ thể như đối với những tiệm dịch vụ interner hoạt động thâu đêm, chủ tiệm sẽ bố trí một khu phòng dành riêng cho khách quen. Tại phòng này, chủ tiệm phục vụ thức ăn, thuốc lá, cà phê… cho các game thủ có nhu cầu. Thậm chí nhiều tiệm internet có cả dịch vụ giặt đồ cho các game thủ. Đây được xem là mô hình “lo trọn gói” của tiệm internet hoạt động thâu đêm.

Theo ghi nhận của P.V, tại các phòng game “đặc biệt” này được xem như một thế giới biệt lập của nhiều game thủ. Đây cũng là nơi “ẩn nấp” an toàn của nhiều đối tượng bất lương. Nhưng vì sao các cơ sở này không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật? Theo tìm hiểu của P.V, đối với các cơ sở dịch vụ internet hoạt động xuyên đêm, chủ tiệm thường đóng cửa trước lúc 22 giờ, nhưng bên trong tiệm vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để nhận diện khách quen vào tiệm internet sau lúc 22 giờ đêm, người quản lý của tiệm xem hình ảnh khách thông qua camera an ninh được lắp đặt trước cửa tiệm. Nếu phát hiện lực lượng chức năng đến kiểm tra, chủ cơ sở internet sẽ không ra mở cửa, từ chối làm việc.

Được sự bảo lãnh của game thủ H., vào lúc 0 giờ một ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại một tiệm game tọa lạc tại KP.Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An). Lúc này cửa ra vào tiệm đóng im ỉm, đứng bên ngoài chỉ nghe được tiếng la hét của người chơi game ở bên trong khi giết được một nhân vật ảo. Tại đây, H. nói khẽ: “Tôi sẽ đứng trực diện vào camera và bấm chuông thì chủ tiệm nhận diện người quen mới mở cửa”. Thật vậy, sau 3 hồi chuông và nhìn thấy được hình ảnh của H., chủ tiệm này ra mở cửa để chúng tôi vào phòng. Theo chân H., chúng tôi vào phòng đặc biệt dành riêng cho khách quen. Tại phòng này, chúng tôi muốn nghẹt thở vì mùi khói thuốc lá của hơn 10 thanh niên xăm trổ đầy mình đang “cày game”, trên miệng thì phì phèo thuốc lá. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại “phòng VIP” này chủ tiệm sẵn sàng cung ứng cà phê, mì tôm, thuốc lá khi khách có nhu cầu.

Rời KP.Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, khoảng 2 giờ sáng, chúng tôi được H. đưa đến một tiệm internet tọa lạc KP.Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, TX.Dĩ An. Cũng thao tác tương tự, H. đứng đối diện vào camera an ninh và bấm chuông. Nhận diện được khách quen qua hình ảnh từ camera, chủ tiệm ra mở cửa cho khách vào. Tại “phòng đặc biệt” của tiệm này cũng nặng mùi thuốc lá, “sản phẩm” của nhiều thanh niên xăm trổ đang cày game. Theo quan sát, vào thời điểm trên có nhiều game thủ nằm ngủ gục trên bàn phím.

Hệ lụy từ cày game

Theo gia đình từ Quảng Ngãi vào phường An Bình, TX.Dĩ An lập nghiệp lúc Nguyễn Hồng D. mới 14 tuổi, sớm nghe theo lời bạn bè tập tành chơi game và D. trở thành game thủ. Từ đó, D. bỏ bê việc học hành, giữa năm 2017 cao thủ game này đã bỏ học giữa chừng. Bị cha mẹ la mắng, D. cùng với đám bạn đi bụi. Để có tiền chơi game, D. xin phục vụ quán ăn. Tuy nhiên, vì quá mê trò chơi điện tử, cứ đến giữa khuya, D. lại bỏ quán đi “cày game”. Do đầu tư thời gian vào những trò chơi điện tử, thiếu ngủ, người D. lúc nào cũng bơ phờ, không đủ sức làm việc nên bị chủ quán cho nghỉ việc. Trò chuyện với chúng tôi, D. nói: “Do không nghe lời cha mẹ nên giờ con rất ân hận về việc cày game. Hậu quả là trong thời gian qua con xin làm nhân viên chạy bàn tại một số quán ăn đều bị chủ quán la rầy vì bơ phờ do thiếu ngủ. Chủ quán cho nghỉ việc. Để làm người có ích, tìm một công việc ổn định, tới đây con sẽ tự cai game”.

Tương tự, trò chuyện với chúng tôi trong vẻ mặt bơ phờ vì thiếu ngủ tại một quán ăn trên địa bàn phường An Phú, TX.Thuận An, Trần Việt T. (quê Hậu Giang) phân trần: “Trước đây tôi là học sinh giỏi của trường, được thầy cô, bạn bè yêu quý. Thế nhưng kể từ lúc mê trò chơi điện tử thì kết quả học tập giảm sút. Và tiếp đến là bỏ nhà đi bụi. Nếu ngược thời gian trở lại, tôi sẽ tránh xa trò chơi vô nghĩa này!”

Chính quyền địa phương nói gì?

Theo tìm hiểu của P.V, trên địa bàn phường Dĩ An hiện có khoảng 80 tiệm internet, trong đó có nhiều tiệm hoạt động sai quy định. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của P.V về công tác kiểm tra xử lý, ông Võ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Dĩ An, nói: “Lâu nay tổ công tác 814 của phường cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở chứ chưa xử lý, phạt hành chính trường hợp nào vi phạm. Tuy nhiên, thông tin từ P.V cung cấp về việc trên địa bàn có nhiều tiệm hoạt động sai quy định, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra xử lý theo thẩm quyền”.

Thượng úy Nguyễn Hùng Dũng, Phó Trưởng Công an phường Tân Đông Hiệp, cho rằng: “Thực tế cán bộ chức năng tổ 814 của phường cũng còn “non” về công tác chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên công tác này cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Song song với công tác tuyên truyền, từ đầu năm đến nay, trong lúc kiểm tra hoạt động của các tiệm internet trên địa bàn, chúng tôi đã lập biên bản xử lý về vi phạm hành chính gần 20 trường hợp. Hiện nay trên địa bàn có 33 tiệm internet thì tại KP.Chiêu Liêu có đến 16 tiệm. Để làm tốt hơn nữa công tác này, tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với cảnh sát an ninh Công an TX.Dĩ An tiến hành kiểm tra để xử lý nghiêm theo luật định”.

Trong khi đó, Đại úy Lê Văn Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Bình Hòa, TX.Thuận An, cho biết: “Trên địa bàn phường hiện có 40 cơ sở kinh doanh internet. Qua những đợt kiểm tra từ đầu năm đến nay, tổ 814 của phường đã xử phạt 8 cơ sở kinh doanh hoạt động sai quy định với số tiền phạt trên 10 triệu đồng. Về công tác chuyên môn của đơn vị, qua công tác nắm tình hình hoạt động của tội phạm trên địa bàn, thời gian qua chúng tôi nhận định các đối tượng phạm pháp thường ẩn nấp trong tiệm internet. Trước tình hình này, thời gian qua cán bộ tổ 814 của phường cũng thường xuyên lập kế hoạch kiểm tra theo định kỳ và kiểm tra đột xuất các tiệm internet có dấu hiệu hoạt động sai quy định. Từ đó, chúng tôi đã phát hiện nhiều đối tượng sử dụng ma túy ẩn nấp vào đây và đã lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Thiếu tá Lê Đình Hùng, Trưởng Công an phường An Phú, TX.Thuận An cho biết: “Phường An Phú hiện có 36 cơ sở kinh doanh internet được đơn vị chức năng cấp phép hoạt động. Để làm tốt công tác quản lý việc hoạt động của các tiệm, thời gian qua chúng tôi đã chỉ đạo cho cảnh sát khu vực nắm chắc tình hình hoạt động của các tiệm. Khi đã xác định được tiệm nào hoạt động sai quy định về thời gian, cũng như các vấn đề liên quan khác, bằng biện pháp nghiệp vụ, tổ 814 của phường tiến hành tổ chức kiểm tra đột xuất sau 22 giờ đêm. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lập biên bản xử lý 8 trường hợp vi phạm với số tiền phạt gần 30 triệu đồng.

Tại khoản 8, Điều 36, Nghị định 72/2013/NĐ- CP 15-7-2013 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định: Dịch vụ kinh doanh internet không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, để có thêm lợi nhuận, thời gian qua, nhiều tiệm internet trên địa bàn tỉnh đã cho hoạt động xuyên suốt 24 giờ trong ngày. Một số chủ tiệm đã phân không gian tiệm internet thành 2 khu riêng biệt để đáp ứng theo nhu cầu của “thượng đế”.

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên