Hé mở cơ hội ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran

Cập nhật: 04-02-2013 | 00:00:00

Việc Mỹ và Iran trực tiếp đàm phán sẽ khai thông những bế tắc liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Cơ hội để giải quyết chương trình hạt nhân Iran đang được hé mở khi ngày 3/2 Iran tuyên bố sẵn sàng chấp nhận đề nghị của Mỹ đối thoại trực tiếp về chương trình hạt nhân của nước này.

  Ngoại trưởng Salehi tham dự Hội nghị an ninh hàng năm ở Munich, Đức Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất tổ chức đàm phán song phương giữa Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân. Các nhà ngoại giao nhận định, trong khi các cuộc đối thoại giữa Iran và nhóm P5+1 đạt được ít tiến triển, việc Mỹ và Iran trực tiếp đàm phán sẽ mang lại cơ hội lớn để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giúp khai thông những bế tắc liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Ngoại trưởng Iran Ali Salehi ngày 3/2 cho rằng, đề nghị của Mỹ là một bước đi tích cực và yêu cầu Mỹ cần đến bàn thương lượng với "ý định thực sự". Ông Salehi nhấn mạnh, "không có giới hạn đỏ cho các cuộc đàm phán song phương", với điều kiện là phía bên kia cần thực tâm muốn giải quyết vấn đề". Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó tuyên bố, Washington sẵn sàng tiến hành đàm phán trực tiếp với Iran nếu lãnh đạo quốc gia Hồi giáo này "nghiêm túc trong đàm phán".

Ngoại trưởng Iran Salehi cũng cho biết, nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) sẽ tổ chức vòng đàm phán mới với Iran về chương trình hạt nhân của nước này tại Kazakhstan vào ngày 25/2 tới. Iran cùng nhóm P5+1 đã tổ chức ba vòng đàm phán trong năm 2012 nhằm giải quyết tình trạng bế tắc liên quan đến các hoạt động hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên hai bên chưa đạt được bất cứ bước đột phá nào.

Mặc dù các cuộc đối thoại giữa Iran và nhóm P5+1 đang đạt được ít tiến triển nhưng các chuyên gia nhận định, các cuộc đối thoại giữa Iran và Mỹ có thể là cơ hội tốt nhất giúp tăng cường hiểu biết giữa các bên liên quan về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Lâu nay, tiếp xúc song phương về vấn đề hạt nhân giữa Iran và Mỹ luôn được coi là mấu chốt có thể làm dịu những bất đồng liên quan chương trình hạt nhân của Tehran. Cộng đồng quốc tế cũng ngay lập tức hoan nghênh cuộc đối thoại song phương Mỹ-Iran. Ngoại trưởng Đức Guido Wester Welle khẳng định, cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực để hỗ trợ các cuộc đối thoại này: “Việc Iran chấp nhận đối thoại với Mỹ là rất quan trọng. Các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Iran nằm trong lợi ích an ninh của thế giới và đặc biệt trong lợi ích của chúng tôi tại châu Âu. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ nỗ lực để thúc đẩy các cuộc đối thoại này”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng hoanh nghênh các cuộc đàm phán song phương nhưng khẳng định, các cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân Iran không nhằm mục đích thay đổi chế độ tại quốc gia Trung Đông này. Ông Lavrov nói:

“Tôi sẽ ủng hộ hoàn toàn cho những gì Phó Tổng thống Mỹ đề cập đến việc cần khuyến khích Iran tham gia đàm phán. Vì vậy, Iran cần phải biết mục đích, cũng như nội dung chính trong tiến trình đàm phán. Mặt khác chúng ta cũng phải thuyết phục Iran rằng, các cuộc đối thoại này sẽ không nhằm làm thay đổi chế độ tại Iran”.

Các nhà ngoại giao cho rằng, năm 2013 sẽ là năm quyết định về vấn đề Iran, đặc biệt vì các lý do chính trị. Mỹ và Israel đã tiến hành bầu cử và Iran cũng sẽ bầu cử vào tháng 6 tới.

Trong bối cảnh các cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân trong nhiều tháng qua chưa đạt được tiến triển, các bên sẽ nỗ lực tận dụng năm 2013 để thúc đẩy giải quyết vấn đề Iran thông qua giải pháp ngoại giao và chính trị.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên