Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh: Cơ bản đáp ứng phát triển sản xuất, tiêu thoát nước

Cập nhật: 05-03-2020 | 09:08:53

Trong thời gian qua, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước, chống ngập úng…

Kênh bê tông (gói thầu 2.2) thuộc dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn

Phát huy hiệu quả

Trong giai đoạn 2016-2020, Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư quản lý một số dự án thủy lợi, tiêu thoát nước, bảo vệ môi trường, chống ngập úng cho các khu công nghiệp (KCN), dân cư và diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng cây ăn trái đặc sản trên địa bàn TP.Thuận An và Dĩ An. Sau khi triển khai thi công và đưa vào khai thác sử dụng, các dự án, hạng mục công trình đều phát huy hiệu quả cao và đạt yêu cầu nhiệm vụ theo dự án được duyệt.

Dự án Trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn với nhiệm vụ thu nhận nước mưa và nước thải đã qua xử lý (đạt tiêu chuẩn loại A) cho lưu vực khoảng 1.702ha (trong đó lưu vực phía đông quốc lộ 13 chủ yếu là các KCN và khu dân cư tập trung với diện tích khoảng 1.061ha); kết hợp hệ thống thoát nước, giao thông nội vùng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực. Đến nay, chủ đầu tư đã tổ chức triển khai thi công 15/15 gói thầu và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng 13/15 gói thầu.

Dự án hệ thống thoát nước Dĩ An - KCN Tân Đông Hiệp với nhiệm vụ tiếp nhận, tiêu thoát nước mưa và nước thải đã qua xử lý (đạt tiêu chuẩn loại A) từ các khu vực dân cư các phường Dĩ An, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp, Bình An và vùng phụ cận; từ hệ thống thoát nước trong KCN Tân Đông Hiệp, khu Vintafong với diện tích tự nhiên khoảng 2.356 ha ra sông Đồng Nai theo hai hướng rạch Cái Cầu và Suối Nhum; kết hợp xây dựng và phát triển hệ thống giao thông trong khu vực dự án và vùng phụ cận, đã góp phần cải tạo điều kiện môi trường sinh thái khu vực TP.Dĩ An và vùng phụ cận. Đến nay, chủ đầu tư đã tổ chức thi công hoàn thành kênh bằng bê tông cốt thép, như: T5A, T6, Suối Nhum đoạn từ K0-K1+400 và đã giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng, an toàn giao thông cho khu vực Bàu Cuộn, đường Lý Thường Kiệt, đường Hai Bà Trưng, khu dân cư ARECO, khu Vintafong, Trung tâm Hành chính Dĩ An...

Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa (giai đoạn 1) với nhiệm vụ tiêu thoát nước cho diện tích 1.303 ha để bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân, vận chuyển lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp, bao gồm: KCN Việt Nam - Singapore và phụ cận diện tích 554 ha; khu dân cư Việt - Sing 193 ha; khu vực phía đông quốc lộ 13 là 419 ha; khu vực phía tây quốc lộ 13 là 137 ha; kết hợp cải tạo và bảo vệ môi trường. Đến nay, chủ đầu tư đã tổ chức thi công hoàn thành cơ bản khối lượng theo hồ sơ thiết kế được duyệt và dự kiến nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối tháng 3-2020.

Có thể nói, các hạng mục công trình sau khi thi công (kênh T3, Suối Đờn, Cầu Đò, rạch Chòm Sao, rạch Cu Đinh) đã giải quyết cơ bản tình hình ngập úng, bảo đảm an toàn giao thông và thoát nước cho đường 22/12, khu dân cư Việt - Sing, KCN Việt Hương, khu vực quốc lộ 13 đoạn qua phường Thuận Giao, An Thạnh; các khu dân cư, diện tích trồng cây ăn trái đặc sản thuộc phường Hưng Định, Bình Nhâm, An Thạnh (TP.Thuận An). Hiện nay, chủ đầu tư đang phối hợp với UBND TP.Thuận An để giải quyết dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng, thi công các công việc còn lại và kết thúc dự án vào cuối năm 2020.

Ngoài ra, hiện chủ đầu tư đang phối hợp với UBND TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, UBND TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Ban bồi thường quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh và Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh để giải quyết các tồn tại về giải phóng mặt bằng. Trong năm 2020, chủ đầu tư tiếp tục triển khai thi công kênh tiêu T4, T5B, Suối Nhum đoạn qua Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, theo kế hoạch sẽ hoàn thành dự án vào năm 2023.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình

Theo ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, để nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm quản lý nguồn vốn đầu tư hiệu quả, trong quá trình thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng; thực hiện quản lý các dự án từbước lập dựán đến thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công xây dựng và thanh, quyết toán công trình theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Đồng thời, Ban Quản lý cũng triển khai đồng bộ và kịp thời các dự án trong danh mục kế hoạch được cấp trên giao; phối hợp tốt với các sở, ban ngành chức năng trong, ngoài tỉnh và các địa phương có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tổ chức triển khai thi công xây lắp; thực hiện nghiêm túc công tác giám sát thực hiện đầu tư, duy trì chế độ thông tin báo cáo và kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh hướng xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề phát sinh có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ông Vũ Tiến Sơn cho biết từ đây đến hết năm 2020, để bảo đảm an toàn chống ngập úng, không gây ảnh hưởng đến tình hình an sinh kinh tế của nhân dân trong tỉnh, Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tập trung công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công một số dự án tiêu thoát nước, ngăn triều chống ngập úng trọng điểm của tỉnh như: Xây dựng cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm, TP.Thuận An; dự án đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba cống đường Thích Quảng Đức; dự án đầu tư giải quyết điểm ngập lưu vực rạch Ông Đành, TP.Thủ Dầu Một; khảo sát xác định mục tiêu, quy mô thiết kế dự án nạo vét, gia cố Suối Cái từ cầu Thợ Ục đến cầu Bến Sắn, TX.Tân Uyên...

Bảo đảm nguồn nước tưới cho các loại cây trồng
Theo Chi cục Thủy lợi, trên địa bàn tỉnh có 3 công trình hồ chứa phục vụ tưới sản xuất nông nghiệp là Cần Nôm, Đá Bàn, Dốc Nhàn. Ngoài ra, còn có hệ thống kênh tưới thuộc hệ thống thủy lợi hồ Suối Giai do tỉnh Bình Phước quản lý công trình đầu mối. Mực nước của các hồ chứa hiện nay dao động từ 41,47% đến 64,06% dung tích thiết kế (hồ Cần Nôm 60,5%, Đá Bàn 42,46%, Dốc Nhàn 41,47%, hồ Suối Giai (tỉnh Bình Phước) 64,06%).
Theo dự báo của các đơn vị quản lý khai thác, với lượng nước còn lại, dự kiến hồ Cần Nôm, Suối Giai, Đá Bàn bảo đảm tưới vụ đông xuân và hè thu; hồ Dốc Nhàn bảo đảm đủ nước tưới vụ đông xuân, có thể thiếu nước tưới thời điểm đầu vụ hè thu. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, việc cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng, nhất là cây trồng ngắn ngày vụ đông xuân vẫn được bảo đảm. Đối với nước sinh hoạt, đến thời điểm hiện nay, chưa xảy ra tình trạng thiếu nước. Hiện nay, hầu hết các xã nông thôn trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn nên từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên