Hệ thống ngân hàng ở Bình Dương: Vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Cập nhật: 09-01-2015 | 08:37:02

Mặc dù gặp không ít khó khăn do sự sụt giảm tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng hệ thống ngân hàng (NH) ở Bình Dương đã kịp thời đạt mốc tăng trưởng tín dụng năm 2014 theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cùng với kết quả này, hoạt động của hệ thống NH trong năm qua cũng có nhiều nét tích cực như đầu tư tín dụng đã có sự chuyển dịch tích cực, vốn được tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh và chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện… Đây là những nhận xét tích cực của ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành NH tại Bình Dương năm 2014; đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 được NH Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương tổ chức sáng qua (8-1).

 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà TP.HCM - Chi nhánh Bình Dương Ảnh: T.HỒNG

 Gian nan vượt khó

 Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn dẫn tới nhu cầu trong nước và thế giới suy giảm nhiều, số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể và phá sản tăng cao… nhưng với sự nhạy bén, kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển, hệ thống NH ở Bình Dương đã thường xuyên triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; bản thân các tổ chức tín dụng cũng tìm cơ hội trong những khó khăn chung, nhờ đó hoạt động của hệ thống NH trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan. Đến ngày 31-12-2014, hệ thống NH ở Bình Dương đã đạt tổng vốn huy động gần 97.000 tỷ đồng, tăng 14,95% so với năm 2013; cùng với đó, tổng dư nợ của hệ thống đạt trên 79.800 tỷ đồng, tăng 19,86% (so kế hoạch đề ra từ 12% - 14%). Bên cạnh đó, nợ xấu đã giảm so với năm 2013, hiện ở mức 1,6% trên tổng dư nợ… Đây là con số khá lý tưởng trong hoạt động ngành.

Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, cho biết vào những tháng đầu năm, hệ thống NH ở Bình Dương chưa thể đạt 1/2 mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vì lúc đó tình hình kinh tế trong nước và của Bình Dương có những khó khăn nhất định; bản thân DN chưa mặn mà vay vốn. Trong thời gian đó lãi suất vay vẫn còn khá cao (12%/ năm), do đó DN cũng có những đắn đo nhất định khi vay vốn. Nhưng càng về sau lãi suất vay giảm, sự hồi sinh của nhiều DN cùng cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh và tình hình kinh tế có những chuyển biến nhất định đã tạo điều kiện cho DN bắt tay với NH; các NH cũng đã bắt đầu tập trung cung ứng vốn phục vụ sản xuất. Vì vậy trong 4 tháng cuối năm 2014, tình hình tăng trưởng tín dụng của Bình Dương đã hồi phục và từ tháng 9 đến hết tháng 12 tăng trưởng khá đều với mức tăng hơn 1% mỗi tháng. Như vậy, mốc tăng trưởng 12% - 14% dư nợ cho vay đã đạt được.

Hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế

Cùng với đà tăng trưởng dư nợ cho vay, lãi suất cho vay của các NH đã giảm từ 1,5% - 2%/năm so với đầu năm. Cụ thể, các NH đã cơ cấu lại nợ cho DN, xem xét giảm lãi, nợ các khoản vay có mức lãi trên 13%/năm và đã giảm tỷ lệ này xuống còn 9,83% trên tổng dư nợ so với mức 18,02% năm 2013. Bên cạnh đó, các khoản cho vay ưu đãi theo 5 chương trình tín dụng ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ tiếp tục ở mức 6% - 8%/năm. Những thông số này được các DN đánh giá rất cao. Bà Nguyễn Thới Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Đông Tây, từng chia sẻ đối với lãi suất ngắn hạn, đặc biệt là lãi suất vay giảm thì DN có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh, mua sắm thêm máy móc thiết bị, áp dụng phát triển khoa học kỹ thuật vào cho đơn vị của mình.

Bên cạnh thành quả chung của toàn hệ thống, năm 2014 NHNN - Chi nhánh Bình Dương tiếp tục ghi nhận vai trò dẫn dắt của các đơn vị NH có vốn nhà nước. Tại NH Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bình Dương, đến cuối tháng 12 vừa qua các chỉ tiêu hoạt động đều đạt cao so với kế hoạch; tổng nguồn huy động đạt 15.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng 13%; hoạt động thanh toán, dịch vụ, lợi nhuận… đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là tiền đề tốt để NH hoạch định kế hoạch cho năm 2015.

 Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương hiện có khoảng 17.000 DN trong nước, trong đó 92% là DN vừa và nhỏ. Trong thời gian tới các NH trên địa bàn tỉnh cần quan tâm tìm hiểu khó khăn, nhu cầu để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nhóm đối tượng này.

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, NH Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương đã tiếp tục đạt và vượt các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng. Theo đó, NH huy động vốn tăng 113%, cho vay tăng gần 132%, dịch vụ ròng tăng trên 141% so với năm trước; đã giải ngân 300 hồ sơ cá nhân vay mua nhà ở xã hội với số tiền gần 70 tỷ đồng... Ông Phan Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Dương, chia sẻ năm 2014 NH định hướng tiếp tục duy trì mối quan hệ với các DN truyền thống, chủ động tiếp cận cho vay đối với DN mới đầu tư, DN kinh doanh có hiệu quả nhưng gặp khó khăn về vốn trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Về gói cho vay 30.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất mua nhà ở xã hội và gói 1.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, NH sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân để hỗ trợ người vay kịp thời hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong năm 2014 hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt, trong đó Quỹ tín dụng nhân An Thạnh (TX.Thuận An) đã được NHNN cấp phép thực hiện dịch vụ chuyển tiền trong nước. Từ đó, đã nâng cao khả năng phục vụ, thu hút nhiều khách hàng đến giao dịch. Có thể nói, với hệ thống 55 chi nhánh tổ chức tín dụng và hàng trăm phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm trên địa bàn, mỗi đơn vị đều có thế mạnh đặc trưng riêng, nhưng tất cả đều đã có cam kết mạnh mẽ trong việc cung ứng vốn, phục vụ tốt cho các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Áp lực mới trong năm 2015

Dự báo ngành NH sẽ tiếp tục khó khăn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, các DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa do cầu kinh tế nội địa yếu; trong khi tiến độ xử lý nợ xấu chưa có nhiều cải thiện. Đó là chưa kể đến chi phí xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro dự báo sẽ tăng mạnh (áp dụng Thông tư số 02 của NHNN về phân loại tài sản, có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro)… Do đó đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải thực hiện các giải pháp, trong đó chú ý quay về tăng trưởng cốt lõi, an toàn, cho vay đúng đối tượng và tăng cường cải thiện chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn để thu hút khách hàng…

Ông Bùi Văn Nu cho biết năm 2015 NHNH - Chi nhánh Bình Dương sẽ xây dựng kế hoạch theo mục tiêu tăng trưởng chung của Trung ương khoảng 15%. Mục tiêu vẫn xoay quanh chương trình lớn nhất của Chính phủ, NHNN là phục vụ cho khu vực nông nghiệp, sản xuất xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn cho DN; tiếp tục tạo sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư tín dụng phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh. Gần đây, tỉnh có chương trình cho vay gói 1.000 tỷ đồng hỗ trợ DN gặp khó khăn. “Đó là những mảng mà trong năm 2015 chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền phổ biến, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện. Đây cũng là mục tiêu đề ra của năm 2015, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao của từng tổ chức tín dụng và cả ngành NH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, ông Nu nói.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên