“Hiệp sĩ” phòng chống HIV/AIDS

Cập nhật: 19-12-2011 | 00:00:00

Ghé lại gia đình anh vào một buổi sáng khi trời còn se lạnh của những ngày đầu tháng 12 này, lòng tôi ấm lại khi thấy anh bưng tô cháo nóng bốc hơi nghi ngút trao cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối mà anh đưa về chăm sóc tại nhà đã nhiều năm nay.

 Anh Thượng Văn Chiêu đang cho bệnh nhân ăn

Gia đình anh Thượng Văn Chiêu, ngụ phường An Thạnh, TX.Thuận An có thể còn rất xa lạ đối với nhiều người, tuy nhiên các bác sĩ ở khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số bệnh nhân AIDS thì biết rất rõ. Gặp anh lúc nào cũng vội vã không chỉ việc lo cho 2 bệnh nhân AIDS đang nằm tại nhà mình mà còn nhiều ca bệnh phẩm khác mà anh nhận trách nhiệm chuyển mẫu xét nghiệm. Chúng tôi thấy sự vội vã của anh nên cũng tranh thủ hỏi mấy câu: với công việc chiếm nhiều thời gian như thế thì anh làm nghề gì để có tiền trang trải cuộc sống gia đình? Anh trả lời ngay: “Thực ra tôi cũng không biết mình đang làm gì”. Đây cũng là điều dễ hiểu vì công việc anh làm hoàn toàn không có tên, anh tìm những bệnh nhân AIDS bị bỏ rơi đem về nhà chăm sóc, một nghĩa cử cao đẹp vượt xa tất cả suy nghĩ thông thường của nhiều người. 

Từ năm 1992, anh đã tình nguyện vào khoa nhiễm chăm sóc những người bệnh nên anh không còn sợ lây truyền các bệnh dễ lây trong đó có bệnh lao và AIDS. Đúng vậy, với một không gian sinh hoạt của gia đình không rộng rãi và khang trang lắm, gia đình anh còn có vợ có con, thế mà anh dám ngăn một phần căn nhà mà mình đang sinh hoạt để kê giường chăm sóc bệnh nhân. Cái tên “Hiệp sĩ” được Ban giám khảo hội thi phóng sự truyền hình phòng chống HIV/AIDS đặt cho, vì chúng tôi đã thực hiện phóng sự chân dung về anh. Anh tâm sự: “Những gì tôi làm còn rất nhỏ, mơ ước của tôi là làm sao Bình Dương có được một trung tâm chăm sóc những người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, để họ sống những ngày cuối đời vui vẻ, được tôn trọng và không bị kỳ thị, phân biệt đối xử”. Hai bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối là anh M. đã ngoài 60 tuổi, còn anh P. thì mới 30 tuổi, cả hai đều đã suy kiệt. Anh P. nói với chúng tôi bằng một giọng điệu yếu ớt: “Em coi chú Chiêu như là người cha thứ 2 của mình, chú ấy đã chăm sóc em từ khi em bị gia đình bỏ rơi, em rất biết ơn chú ấy, vì chú đã giúp đỡ chăm sóc em như người thân trong nhà như con cái của mình”. Tôi thầm nghĩ những người bị nhiễm HIV do nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung quy lại họ rất đau buồn vì vướng phải căn bệnh này. Nỗi đau của họ mà chúng ta cảm thông không chỉ là sự dằn vặt, chống chọi với bệnh tật mà là một nỗi cô đơn trống vắng, một nỗi buồn không thể diễn tả và một nỗi xót xa khi chỉ quanh quẩn ra vào một căn phòng nhỏ, ăn rồi nghĩ đến ngày kết thúc đời mình mà không có người thân, bạn bè, vợ con chia sẻ để nguôi ngoai đi...

SỸ HOÀNG

(Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe - Sở Y tế Bình Dương)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên