Hiểu biết lịch sử cũng là yêu nước!

Cập nhật: 10-12-2015 | 08:51:02

Trước những phản ứng của dư luận xã hội xung quanh việc tích hợp môn lịch sử trong nhà trường, mới đây nhất, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có cuộc họp bàn về nội dung giáo dục lịch sử trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phải coi trọng giáo dục lịch sử, cũng như việc dạy môn lịch sử cho học sinh.

Theo dự thảo được tính đến thì bậc trung học cơ sở sẽ có môn lịch sử riêng, môn địa lý riêng và phần kiến thức chung liên quan chặt chẽ giữa hai môn thì thiết kế thành các chuyên đề tích hợp. Ở bậc trung học phổ thông, tất cả học sinh đều phải học lịch sử bắt buộc.

Mỗi người sinh ra đều phải biết cội nguồn dân tộc. Hiểu về truyền thống đất nước mình để chúng ta càng thêm tự hào, tự tôn dân tộc, đồng thời phát huy truyền thống quý báu của ông cha để sống và cống hiến. Thế nên, nói cách khác, hiểu biết lịch sử nước nhà cũng là thể hiện lòng yêu nước. Đối với học sinh, các em cần được tìm hiểu, giáo dục về lịch sử đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta, những người Việt Nam có quyền hãnh diện về điều này. Và truyền thống ấy cần được gìn giữ, phát huy cho đến ngàn đời con cháu mai sau.

Có nhiều cách để giáo dục lịch sử cho học sinh, trong đó vai trò giáo dục của nhà trường là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, học sinh còn ngán ngẫm với môn học lịch sử là do nhiều nguyên nhân. Trước nhất là nội dung chương trình còn nặng tính hàn lâm, chương trình quá tải. Đa số học sinh cho rằng các em phải học thuộc lòng ngày tháng, những sự kiện lịch sử, từ đó dẫn đến các em sợ học môn này.

Để học sinh yêu thích môn lịch sử, đội ngũ nhà giáo nói chung đã cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, có lúc có nơi người thầy vẫn chưa thực hiện đổi mới thực sự, vẫn còn kiểu truyền thụ kiến thức theo kiểu một chiều. Đối với học sinh, hiện nay các em có xu hướng chọn các ngành kinh tế nên việc học lịch sử còn mang tính chất đối phó.

Làm sao để học sinh yêu thích môn sử? Đó là nỗi trăn trở không chỉ của các nhà giáo, mà là nỗi lo của toàn xã hội. Riêng ngành giáo dục cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, bàn các giải pháp để giúp các em thêm yêu môn sử trong nhà trường. Trong đó, vấn đề mấu chốt vẫn là vai trò của người thầy. Để học sinh yêu thích môn sử, cần khơi dậy sự hứng thú trong học tập môn lịch sử đối với học sinh bằng tất cả tâm huyết của người thầy. Giáo viên cần đào sâu nghiên cứu, sáng tạo ra những phương pháp giảng dạy mới, có tính thu hút học sinh. Ngoài ra, giáo viên cần ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đặc biệt, trong công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm nhiều ngành tuyển sinh liên quan đến môn lịch sử, để thu hút học sinh đăng ký dự thi, từ đó dẫn đến việc học sinh quan tâm nhiều hơn đến môn lịch sử.

VĂN HIỆP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên