Hiểu mình, hiểu nghề, sáng tương lai

Cập nhật: 06-03-2018 | 08:41:43

Cuối tuần qua, trên 1.500 học sinh lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã được gặp, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia tư vấn tuyển sinh đại học (ĐH) đến từ các trường ĐH tại TP.Hồ Chí Minh. Từ những chia sẻ trong việc chọn ngành, chọn nghề, chương trình đã thực sự đưa trường học đến với thí sinh (TS) trong mùa thi năm nay.

Thay mặt ban tư vấn, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam đã phổ biến đến TS những thông tin cơ bản về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH 2018. Hiện nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chưa ban hành quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2018. Dù vậy, vào ngày 1-4 tới, TS sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, đồng thời nộp phiếu đăng ký xét tuyển ĐH. Theo tiến sĩ Nghĩa, năm 2017 Bình Dương là 1 trong 3 tỉnh có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cao nhất nước, do đó việc rớt tốt nghiệp khó xảy ra. Vấn đề các em cần quan tâm là làm sao để điểm bài thi các môn thi quốc gia đạt cao nhất, để cơ hội trúng tuyển ĐH được cao.

Học sinh trường THPT Bình Phú (TP.Thủ Dầu Một) cân nhắc trong việc chọn ngành, nghề phù hợp

Tham gia chương trình tư vấn có các thầy cô đến từ 10 trường ĐH tại TP.Hồ Chí Minh. Không bỏ qua cơ hội được gặp trực tiếp các chuyên gia tư vấn, TS đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc chọn ngành, nghề. Ngoài ra, các em còn quan tâm đến cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Có nhiều câu hỏi của TS được ban tư vấn đánh giá khá hay. Cụ thể, một TS của trường THPT Võ Minh Đức có nguyện vọng vào sư phạm ngữ văn, nhưng theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, với phương thức xét tuyển học bạ, các trường chỉ xét tuyển những em học lực giỏi. Ngoài ra, theo em biết, những năm gần đây sinh viên sau tốt nghiệp khó xin việc làm.

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH - ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã thông tin, khối ngành sư phạm đang có số lượng cao hơn so với nhu cầu. Tuy nhiên, xã hội đang cần lực lượng lao động bảo đảm được nhu cầu đào tạo sinh viên tích hợp các kiến thức kỹ năng. Nếu các em có nguyện vọng vào khối ngành sư phạm nhưng không tham gia vào thị trường lao động, thì 4 năm nữa ai sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước chúng ta, làm sao để bảo đảm những kiến thức, kỹ năng, thái độ của quá trình hội nhập, bảo đảm được sự cạnh tranh trong cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này đặt ra nhiều bài toán mà đào tạo phải giải quyết và ngành sư phạm phải thay đổi để đáp ứng được điều đó.

Xu thế hiện nay, TS được tự do lựa chọn ngành nghề theo năng lực bản thân, cũng như lựa chọn bậc học. Qua trao đổi trực tiếp với các TS, các thành viên ban tư vấn đã đánh giá, nhiều em tỏ ra khôn ngoan khi lựa chọn ngành học, bậc học phù hợp. TS Cẩm Thúy cho biết, em yêu thích ngành dược, nhưng sức học chỉ đạt loại khá, nên em quyết định chọn bậc học cao đẳng. Hay một TS khác muốn học ĐH nhưng khả năng không đủ về tài chính, em cũng quyết định chọn học cao đẳng. Đam mê nhưng không biết chọn ngành học phù hợp, đó là băn khoăn của TS Trần Thị Anh Thi. Theo thạc sĩ Phạm Thế Vinh, trường ĐH Tài chính - Marketing, yêu thích công việc sắp xếp và ngoại giao, nếu hướng ngoại em cần có những tố chất như có khả năng giao tiếp, có một số kỹ năng cơ bản để hội nhập, phải có ngoại ngữ tốt.

Câu hỏi của em Nguyễn Thành Đạt, trường THPT chuyên Hùng Vương khiến cho ban tư vấn khá lý thú. Sở trường của em là kỹ thuật phần mềm. Em đã có 2 suất học bổng, nhưng em cũng thích kinh doanh, đặc biệt ước mơ của em là trở thành 1 trong 5 Shark Tank Việt Nam (hay còn gọi là “Thương vụ bạc tỷ”). Vậy em nên học ngành gì? Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh đã khuyên em, học đúng năng lực, sở trường của mình sẽ mang tính bền vững hơn. Em nên vào bộ công cụ trắc nghiệm, trả lời được câu hỏi: Tôi là ai? Khi xác định đúng đắn mình phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề gì, em sẽ có sự chọn lựa thích hợp.

 “Đến với chương trình tư vấn, các em đã nêu những tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm trong việc chọn ngành, nghề của các nhà tư vấn. Từ những bộc bạch của TS, các chuyên gia tư vấn nhận ra, vẫn còn trường hợp TS ngộ nhận về năng lực, các em nghĩ gia đình truyền thống làm gì, các em học ngành đó. Các em chưa khẳng định được tôi là ai? Hiện nay, các em đang trả lời câu tôi là ai trong thời điểm hiện tại, nhưng khi các em bước vào cánh cửa ĐH, cao đẳng, các em phải tiếp tục trả lời câu hỏi: tôi sẽ là ai trong 4 - 5 năm nữa? Nếu giải đáp được câu này thì khả năng việc làm đã tới với các em”.

(Ông Dương Duy Khải, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh trường ĐH Nguyễn Tất Thành)

 

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X