Hiệu quả mô hình “mượn bò gây giống”

Cập nhật: 20-10-2017 | 23:19:45

Mô hình “mượn bò gây giống” là một trong các hoạt động của Dự án Hỗ trợ sinh kế do Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo (NKT-TMC-BNN) tỉnh phát động từ năm 2011. Qua 7 năm thực hiện, chương trình đã góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, chung tay của toàn xã hội dành cho những gia đình khó khăn.

 Giao vốn bò sinh sản cho hộ nghèo, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn

Giúp người khó có “cần câu”

Theo chân cán bộ phụ trách giảm nghèo xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi đến với gia đình chị Nguyễn Thị Ninh. Gia đình chị Ninh là một trong 37 hộ gia đình khó khăn trong tỉnh được Hội Bảo trợ NKT-TMC-BNN tỉnh hỗ trợ cho mượn bò gây giống đợt 2. Năm 2014, gia đình chị thuộc diện khó khăn của xã, con cái thường xuyên đau ốm. Xét hoàn cảnh gia đình chị, UBND xã Tân Thành đã đề nghị Hội Bảo trợ NKT-TMC-BNN tỉnh hỗ trợ sinh kế bằng cách cho mượn bò gây giống. Sau 3 năm, đến nay chị đã có 1 con bò mẹ, 1 con bê chuẩn bị hoàn vốn lại cho hội. “Có vốn làm ăn, gia đình tôi đã thoát nghèo nhưng vẫn nằm trong diện cận nghèo. Vì vậy, được hỗ trợ cho mượn bò gây giống, gia đình tôi rất mừng và cố gắng chăm sóc bò tốt để phát triển số lượng, từ đó ổn định kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, chị Ninh vui mừng cho biết.

Niềm vui có được vốn sản xuất, bò để chăn thả còn thể hiện trên gương mặt ông Hoàng Quốc Cấn, ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo. Sau 7 năm, từ 1 con bò giống được cho mượn, gia đình ông nay đã có được 4 con bò. Ông Cấn kể, tháng 11-2011, gia đình ông được Hội Bảo trợ NKT-TMC-BNN tỉnh cho mượn 1 con bò giống. Vợ chồng, các con thay nhau cắt cỏ, chăm bò. Đến tháng 11-2014, từ 1 con bò sinh sản ban đầu, ông đã hoàn trả vốn bò để hội luân chuyển cho hộ khác, gia đình còn lại 3 con bò. Nhờ có đàn bò đã tạo thêm công ăn việc làm cho gia đình ông, giúp cuộc sống ổn định hơn.

Lan tỏa một mô hình hay

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC-BNN, cho biết mô hình cho mượn bò gây giống là mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao đối với người dân các vùng còn nhiều đất trống, vườn cao su. Thế nhưng không phải hộ dân nào cũng có điều kiện đầu tư mua con giống về nuôi, đặc biệt là những hộ nghèo, NKT, TMC nên cái nghèo, cái khó vẫn luôn đeo bám họ bao lâu nay. Việc hỗ trợ cho mượn bò gây giống nhằm giúp các hộ khó khăn có điều kiện trong chăn nuôi từng bước giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống là rất cần thiết. Riêng đối với NKT, mô hình này đã tạo cơ hội cho họ được lao động, không cảm thấy tự ti. Qua chương trình còn tuyên truyền, huy động tất cả mọi nguồn lực chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh.

Từ năm 2011, Hội Bảo trợ NKT-TMC-BNN tỉnh đề ra chương trình và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân, đơn vị. Đầu năm 2011, hội đã vận động và mua được 51 con bò cho các hộ gia đình mượn gây giống. Sau 36 tháng, các hộ được mượn bò hoàn vốn lại để hội tiếp tục chuyển giao xoay vòng cho các hộ khác. Đến nay, tổng số vốn bò sinh sản của hội đã tăng lên 88 con. Hầu hết, các hộ đã hoàn trả vốn bò sinh sản ban đầu sau thời hạn 36 tháng đều được hưởng lãi vốn 1 bò mẹ và 1 đến 2 con bê.

Để đạt được kết quả trên, ngoài sự hỗ trợ giống bò của các nhà hảo tâm, nỗ lực của các hộ dân trong việc chăm sóc bò còn có sự hỗ trợ của địa phương. Ông Nguyễn Văn Nam cho biết thêm, các hộ gia đình được hỗ trợ vốn bò được cán bộ Hội Nông dân, cán bộ thú y huyện, thị đến tận nơi hướng dẫn cách chăm sóc, phòng chống bệnh cho bò. Để tránh tình trạng các hộ dân sử dụng vốn bò sai mục đích, UBND các xã, thị trấn có hộ được hỗ trợ vốn bò còn phân công các ban ngành, đoàn thể, cán bộ khu phố, ấp thường xuyên kiểm tra. Từ đó, hiệu quả mô hình mượn bò gây giống ngày càng phát huy và lan tỏa.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên