Hiệu quả từ các chính sách khoa học và công nghệ

Cập nhật: 19-09-2018 | 08:44:58

 Với tinh thần đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) trong tình hình mới, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật về KHCN của Đảng và Nhà nước sát với tình hình thực tiễn và đã đạt được kết quả khả quan. 

Chính sách gắn với thực tiễn

Theo UBND tỉnh, trong thời gian từ 2015-2017, để tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 24 văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong các văn bản tỉnh đã ban hành có nhiều văn bản có tầm quan trọng, gắn phát triển KHCN với phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tiễn của địa phương. Có thể kể đến như Chương trình hành động số 63 của Tỉnh ủy về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Quyết định 15 về quy định quản lý nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh; Quyết định 2177 về quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Quyết định 2465 về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2017-2020…

Qua việc tỉnh triển khai các chương trình, dự án phát triển KHCN theo đặt hàng, phù hợp với thực tiễn đã đem lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Cán bộ Sở KHCN kiểm tra Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan tại huyện Bàu Bàng. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án xây dựng thành phố Thông minh Bình Dương và chương trình khởi nghiệp do Chính phủ khởi xướng, tỉnh cũng bàn hành chính sách về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, Đề án thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương…

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, cho biết thêm thông qua việc ban hành các văn bản đã thể hiện tính chủ động, kịp thời của tỉnh trong công tác quản lý KHCN được giao. Qua đó từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả thiết thực

Ghi nhận cho thấy, thời gian qua thông qua chính sách từ các chương trình, dự án KHCN đã giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như khẳng định tên tuổi trên thị trường. Điển hình như Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương”; chương trình cải tiến năng suất chất lượng…

Theo ông Trần Chánh Tín, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty TNHH Cường Phát (TX.Thuận An), với chương trình cải tiến năng suất chất lượng do Sở KHCN và Chi cục Đo lường chất lượng triển khai, công ty đã có sự lựa chọn giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả sản xuất, có thể thực hiện trong điều kiện thực tế của công ty mà không phải tốn nhiều chi phí đầu tư. “Qua việc áp dụng Kaizen (công cụ năng suất chất lượng), công ty đã cải tiến lò nung, triển khai thu hồi đất từ bùn thải, hàng năm tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng chi phí nguyên liệu nung, tiết kiệm trung bình gần 26 triệu đồng/tháng chi phí nguyên liệu sản xuất”, ông Tín nói.

Ông Lê Hoàng Châu, hộ tham gia Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan ở huyện Bàu Bàng, chia sẻ thông qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan, bà con trong xã Trừ Văn Thố đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc trồng ổi lê Đài Loan. Kết quả nổi bật là năng suất 1 ha ổi lê Đài Loan có thời điểm đạt gần 40 tấn; thời gian cho thu hoạch nhanh, trung bình 4 tháng và thu hoạch quanh năm.

Theo đánh giá của Sở KHCN, thời gian qua các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các dự án, chương trình nói trên đều thành công và tên tuổi trên thị trường ngày càng phát triển. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp của tỉnh tham gia Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương” được trao tặng giải thưởng chất lượng quốc gia và châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Công ty Cổ phần Tôn Đông Á đạt giải vàng giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2015 và giải nhất giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017.

Cùng với đó, các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN được tỉnh triển khai cũng đem lại hiệu quả và gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, từng địa phương trong tỉnh. Chẳng hạn như việc triển khai ứng dụng thiết bị laser bán dẫn công suất thấp tại 46 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh tỉnh đã nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, giảm chi phí cho người điều trị do không cần đi xa (tuyến huyện, tỉnh)…

HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên