Hiệu quả từ các đoạn đường tự quản

Cập nhật: 10-06-2016 | 09:59:44

Những năm gần đây, tại các địa phương trong tỉnh đã có nhiều tuyến đường, tuyến phố được gắn biển “đoạn đường tự quản”, “tuyến đường tự quản” do các tổ chức đoàn thể đảm nhận, nhằm góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, bảo đảm an ninh trật tự...


 Tuyến đường BH07, khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa, TX.Thuận An do Hội CCB phường đảm nhận tự quản ngày càng sạch, đẹp. Ảnh: T.BÌNH

Mô hình “Đoạn đường tự quản” là do các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh (CCB), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), Đoàn Thanh niên... đứng ra chịu trách nhiệm quản lý một đoạn đường nhất định nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh ở khu dân cư. Thông thường, ở địa bàn nông thôn, “đoạn đường tự quản” thường gắn với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, còn ở địa bàn các phường, “đoạn đường tự quản” có nhiều phần việc hơn, như tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; kinh doanh đúng nơi quy định, nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi... Với ý nghĩa tích cực, mô hình “đoạn đường tự quản” đã thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dân tại các địa bàn dân cư.

Những năm trước, việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường nhiều đoạn đường trên địa bàn TX.Thuận An còn hạn chế. Nhiều hộ gia đình còn vứt rác bừa bãi, dựng xe dưới lòng đường, cơi nới, lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Thực hiện mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, đến nay, hội phụ nữ ở 10 xã, phường trên toàn thị xã đã tham gia với 11 đoạn đường phụ nữ tự quản. Để phong trào đi vào nề nếp, Hội LHPN TX.Thuận An đã triển khai đến tổ chức hội cơ sở các xã, phường gắn với xây dựng quy chế hoạt động. Theo đó, các chi hội phụ nữ nhận trách nhiệm cắm biển tự quản vệ sinh môi trường, an ninh trật tự đoạn đường nơi mình sinh sống. Tiêu biểu cho phong trào này là Hội LHPN phường Lái Thiêu đã vận động từng chi hội đảm nhận một đoạn đường để tự quản. Các chi hội cũng đề ra quy định giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện ký cam kết với các gia đình hội viên không vứt rác ra đường, không lấn chiếm lòng lề đường, giữ cho con đường thông thoáng, sạch đẹp.

Tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An, từ khi một số đoạn đường được gắn biển tự quản, tình hình vệ sinh môi trường ở các khu dân cư được cải thiện rõ rệt. Điển hình như dọc tuyến BH07, BH25, Nguyễn Du do Hội CCB phường đảm nhận được trải nhựa, trước nhà mỗi hộ dân đều có thùng đựng rác, nhà nào không có nơi chứa thì rác được tập kết và quét dọn gọn gàng. Khu vực chợ, rác được thu gom, quét dọn tươm tất, không còn cảnh rác ùn ứ, vứt bừa bãi, tràn lan như những năm trước. Ông Trần Công Phụng, Phó Chủ tịch Hội CCB phường, cho biết: “Các tuyến đường tự quản do Hội CCB đảm nhận được ra mắt từ tháng 8-2015. Mấy năm trước, tình hình vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường này rất phức tạp. Người dân thường buôn bán lấn chiếm lòng lề đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Vì vậy, Hội CCB phường đã đề xuất với phường cho Hội CCB đứng ra nhận quản các đoạn đường này, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùng quản lý để đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu”.

Bên cạnh những mô hình hiệu quả, hiện nay, nhiều đoạn đường dù đã được các tổ chức đoàn thể đảm nhận, được gắn biển nhưng vẫn chưa thực sự sạch đẹp. Đi ngang qua tuyến đường An Phú 25, thuộc phường An Phú (TX.Thuận An) chúng ta dễ dàng bắt gặp những túi rác to, chất thành đống, tràn xuống lòng đường, hay những bãi tập kết rác không đúng nơi quy định. Trong khi đoạn đường này có bảng ghi “Đoạn đường Hội phụ nữ tự quản”. Chị Trần Thị Thụy Sương, Chủ tịch Hội LHPN phường An Phú, cho biết: “Đoạn đường An Phú 25 do hội đảm nhận có chiều dài khoảng 4km. Hàng tháng, các chị em hội viên vẫn tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh dọc tuyến đường, vận động các hộ gia đình bỏ rác đúng nơi quy định và được người dân chấp hành rất tốt. Tuy nhiên, do tuyến đường có lượng xe cộ qua lại đông, công nhân lao động tạm trú nhiều, từ đó tồn tại tình trạng vứt rác ra hai bên đường rất khó quản lý và xử lý triệt để”.

Có thể nói, việc xây dựng đoạn đường tự quản là một cách làm cần thiết để đẩy mạnh phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể với các phong trào chung của địa phương. Thế nhưng, để mô hình này thật sự mang lại hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Đồng thời, việc lựa chọn đoạn đường để thực hiện tự quản cần có sự bàn bạc kỹ càng để việc thực hiện đạt hiệu quả, tránh tình trạng chạy theo phong trào.

 TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên