Hiệu quả từ các dự án sử dụng vốn ODA

Cập nhật: 05-05-2017 | 08:20:29

Trong những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh đã sử dụng hiệu quả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Nhà máy xử lý nước thải TX.Thuận An. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Sử dụng tốt nguồn vốn vay

Sau khi tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ hợp tác Kinh tế hải ngoại Nhật Bản (OECF), năm 1997, để đầu tư dự án tuyến ống cấp nước từ Nhà máy nước Thủ Dầu Một đến Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, đến nay Bình Dương đã chủ động tiếp cận nguồn vốn vay ODA từ nhiều Chính phủ và nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước, điện khí hóa nông thôn, xử lý chất thải rắn…

Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để tiếp cận hiệu quả nguồn vốn ODA của từng nhà tài trợ, trước khi gửi đề xuất dự án tỉnh đã chủ động tìm hiểu và mời nhà tài trợ tiếp cận, trao đổi tìm hiểu thông tin về dự án. Căn cứ vào nội dung trao đổi làm việc tỉnh sẽ xây dựng đề cương, nội dung dự án sát với yêu cầu đặt ra của nhà tài trợ. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tham gia các lớp tập huấn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì cùng nhóm 5 ngân hàng quốc tế đang tài trợ cho Việt Nam. Bình Dương đã ưu tiên cân đối đủ vốn đối ứng trong kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm để hỗ trợ kịp thời các chủ đầu tư tiếp nhận dự án tài trợ cũng như thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất sạch cho các dự án trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù còn nhiều khác biệt giữa những quy định của pháp luật Việt Nam với quy định của các nhà tài trợ, giữa các cơ quan thực thi pháp luật của nước ta từ Trung ương đến địa phương còn hiểu các quy định khác nhau nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự phối hợp, hỗ trợ giữa các ngành trong tỉnh đã tạo điều kiện để chủ đầu tư hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ cam kết với nhà tài trợ; các công trình đưa vào vận hành đạt hiệu quả cao, từng bước tạo lòng tin đối với nhà tài trợ. Chẳng hạn, sau khi Bình Dương thực hiện hiệu quả Dự án cấp nước và vệ sinh đô thị Nam Thủ Dầu Một thuộc dự án thứ 3 cấp nước và vệ sinh đô thị các thị xã, thị trấn, Bình Dương đã được nhà tài trợ thống nhất điều chuyển vốn dư từ dự án thành phần các tỉnh khác để đầu tư tại tỉnh. Thành công từ dự án này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục tài trợ vốn vay ODA để chủ đầu tư thực hiện dự án cấp nước Nam Thủ Dầu Một mở rộng (dự kiến hoàn thành vào năm 2018). Đối với Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, hiện nay đang được Chính phủ Phần Lan cho vay ODA để thực hiện giai đoạn 2 sử dụng khí thải từ rác để phát điện. Ngoài ra, Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương hiện đang được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tiếp tục tài trợ vốn ODA để thực hiện khu vực đô thị Thuận An và phần còn lại của đô thị Thủ Dầu Một.

Sớm thích ứng với điều kiện mới

Hiệu quả từ các công trình nói trên đã tạo điều kiện ban đầu cho địa phương nhân rộng mô hình đầu tư trên địa bàn, phục vụ tốt hơn yêu cầu quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua quá trình thực hiện các dự án, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã vận dụng linh động hơn những quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời, nhân viên các ban quản lý dự án đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ việc quản lý, đấu thầu, thanh toán quốc tế... Tuy vậy, hiện nay Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phát triển nên các tổ chức tín dụng không còn hỗ trợ tín dụng ưu đãi, do đó việc vận động nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn hơn. Chính vì thế, các dự án sử dụng vốn ODA cho Bình Dương không còn được ưu đãi so với trước đây. Bên cạnh đó, do thắt chặt đầu tư công nên số vốn Trung ương cân đối trong kế hoạch đầu tư công đối với các dự án sử dựng vốn ODA đang triển khai không đáp ứng theo tiến độ cam kết với nhà tài trợ. Ngoài ra, mặc dù chủ đầu tư gửi báo cáo định kỳ hàng quý cho cơ quan có thẩm quyền nhưng trong quá trình thực hiện chưa chủ động kiến nghị sớm những khó khăn sẽ gặp phải nên gây bị động trong công tác tham mưu cho cấp thẩm quyền khi xảy ra tình huống cần giải quyết…

Những dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi từ nước ngoài đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh hiện nay, phần lớn khó khăn thuộc các dự án thoát nước và xử lý nước thải. Cụ thể, công tác đền bù và thu hồi đất những dự án này còn chậm vì giá đền bù do nhà nước ban hành thấp hơn giá thị trường nên khó thỏa thuận với người dân nhận tiền đền bù. Trong khi đó, công tác thi công mạng lưới cấp nước và thu gom nước thải trên các tuyến đường làm ảnh hưởng đến các công trình ngầm như điện chiếu sáng, điện thoại, cáp truyền hình… Đối với một số tuyến ống thi công dọc tuyến sông Sài Gòn trên nền địa chất yếu, dễ sạt lở nên mất nhiều thời gian và chi phí cho công tác gia cố nhằm bảo đảm an toàn công trình và an toàn lao động…

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nói trên, ngoài các giải pháp từ trung ương và tỉnh, theo ông Minh, trong thời gian tới các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương thuộc khu vực dự án xử lý nước thải cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ đấu nối hợp lý, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách để tạo động lực và khuyến khích người dân đấu nối.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết
Tags
vốn ODA

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên