Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác

Cập nhật: 02-10-2020 | 07:34:11

 Nhận thấy tổ hợp tác (THT) là mô hình sản xuất hữu hiệu cho người dân lấy nông nghiệp làm nghề sinh sống, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đã tập trung thành lập và nhân rộng mô hình này trong thời gian qua.

 Vườn măng cụt hộ ông Nguyễn Văn Tỵ, xã Thanh Tuyền Ảnh: T.PHƯƠNG

 Ông Võ Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết THT là một loại hình của kinh tế tập thể do các cá nhân tự nguyện thành lập, hoạt động vì mục đích kinh tế - xã hội. Tại xã Thanh Tuyền, THT hầu hết là hộ gia đình, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, họ tự đóng góp công sức và tài sản, chung sức tìm hướng đi tối ưu, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất bằng nội lực. Với các thành viên thiếu nguồn lực hoặc thiếu vốn sẽ được xem xét, thẩm định vay vốn từ Quỹ hỗ trợ (QHT) nông dân các cấp.

Hiện nay, xã Thanh Tuyền có 4 THT, gồm 3 THT chăn nuôi bò và 1 THT trồng măng cụt, bình quân mỗi THT khoảng 10 tổ viên, đều hoạt động rất hiệu quả. Điển hình là tổ liên kết măng cụt ấp Suối Cát. Nhận thấy giống cây măng cụt rất phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Thanh Tuyền, nhiều hộ nông dân trồng cao su trước đây đã chuyển sang trồng thêm cây măng cụt, sau đó liên kết thành lập THT để giúp đỡ nhau về kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện với 6,6ha măng cụt của 9 hộ dân được cấp chứng nhận VietGap, sản lượng dự kiến 16,5 tấn/ năm. Về lĩnh vực chăn nuôi phải kể đến THT chăn nuôi trâu, bò ấp Gò Mối, ấp Lâm Vồ, gồm 11 hộ, các hộ đã có từ 5 - 10 con bò. Việc liên kết THT đã giúp các hộ tạo thêm sức mạnh tập thể, phát triển thêm được số lượng đàn bò, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân bình quân trên 100 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tỵ, tổ trưởng THT măng cụt ấp Suối Cát, chia sẻ: “Tham gia THT là quyết định rất đúng đắn với người nông dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế hộ ở nông thôn. Các thành viên trong tổ đều là những người chung ngành nghề, chung sở thích, nhưng hầu hết thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Trước khi tham gia THT việc trồng cây, chăm sóc, thu hoạch và buôn bán đều tự phát nên hộ giỏi thì thu hoạch được nhiều, hộ kém thì thu hoạch thấp hơn, sản lượng cao nhất chỉ 2,5 tấn/ năm/hộ. Từ khi thành lập THT, nhờ có sự chia sẻ, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm, kết hợp sự quan tâm của UBND huyện và trung tâm khuyến nông đã đưa kỹ sư chuyên môn về tập huấn, hướng dẫn nên sản lượng, chất lượng đã nâng cao, mỗi hộ trung bình đạt 6 - 7/tấn/ năm. Hiện tại mức sống và thu nhập của gia đình tôi nói riêng và các tổ viên đã gia tăng nhiều so với trước đây, nhiều hộ gia đình còn vươn lên khá giả. Thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/năm, đối với người nông dân ở làng quê nghèo như chúng tôi thu nhập như vậy là điều rất đáng mừng”.

Từ thực tế cho thấy, THT đã mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ viên, giải quyết được việc làm cho người lao động và góp phần cho công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. “Sản xuất hàng hóa càng phát triển, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường càng gay gắt thì những người lao động riêng lẻ, các hộ cá thể càng có nhu cầu phải liên kết, hợp tác, nếu không rất khó tồn tại và phát triển. Hiện xã Thanh Tuyền đã lập hồ sơ vay vốn thành lập thêm 2 THT chăn nuôi bò và đang chờ giải ngân để đi vào hoạt động. Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này”, ông Võ Văn An cho biết thêm.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên