Hiệu quả từ thanh, kiểm tra bảo vệ môi trường

Cập nhật: 03-04-2014 | 00:00:00
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường Bình Dương cũng bị áp lực lớn, đặc biệt là gia tăng một lượng lớn nước thải, khí thải và chất thải rắn từ hoạt động sản xuất công nghiệp và phát triển đô thị đe dọa gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và môi trường đất. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là kiểm soát các nguồn thải trước khi thải ra môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu...

Để chủ động, kế hoạch thanh kiểm tra, hàng năm, từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đến Phòng TN-MT của các huyện, thị, thành phố đều xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh kiểm tra về lĩnh vực môi trường từ cuối năm trước. Đối tượng thanh kiểm tra tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) có tải lượng chất thải lớn hoặc thuộc ngành nghề gây ô nhiễm môi trường và các DN hay bị khiếu nại, tố cáo về môi trường. Kế hoạch thanh, kiểm tra này được công bố đến từng đơn vị có tên trong danh sách ngay từ đầu năm. Điều này đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về BVMT của các DN.

Trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT, ngành luôn bám sát theo sự chỉ đạo của Thanh tra Bộ TN-MT, Tổng cục Môi trường và Thanh tra tỉnh nên chất lượng ngày càng nâng cao. Kết quả 2 năm 2012- 2013, ngành đã phối hợp các ngành có liên quan tiến hành thanh, kiểm tra 2.040 đơn vị, xử phạt 685 đơn vị với tổng số tiền 13,2 tỷ đồng. Bên cạnh việc tổ chức thanh tra, kiểm tra về BVMT, Bình Dương còn chủ động xây dựng danh sách đen để xử lý kiên quyết, triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị, giải quyết kịp thời và dứt điểm các khiếu nại, tố cáo về môi trường.

Thời gian qua, Bình Dương cũng đã thành lập Đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất tình hình chấp hành quy định pháp luật về BVMT của các DN trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời xử lý và hạn chế những hành vi né tránh, đối phó của các DN, cũng như hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp trong quá trình thanh, kiểm tra về môi trường. Từ hiệu quả hoạt động của Đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất môi trường cấp tỉnh, đến nay các huyện, thị và thành phố cũng đã thành lập Đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất môi trường. Trao đổi với chúng tôi, cán bộ phụ trách môi trường, cho biết chính nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra về BVMT, cùng với việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đã có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa sai phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi chính sách, pháp luật về BVMT, hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại, khiếu kiện nhiều lần và chủ động trong việc trả lời các kiến nghị của cử tri.

Không chỉ chủ động và thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra về BVMT, Bình Dương còn phối hợp tốt với Bộ TN-MT trong quá trình triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra về BVMT trên địa bàn tỉnh; cụ thể là góp ý và đề xuất cho bộ về các đối tượng thanh tra, kiểm tra; góp phần giảm bớt sự chồng chéo và tạo ra sự thống nhất cao trong quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, công tác phối hợp vẫn còn một số hạn chế. Sự chồng chéo và trùng lắp về đối tượng thanh tra, kiểm tra; thời điểm tổ chức các đoàn thanh tra của bộ chưa hợp lý (thường vào cuối năm); chưa có sự thống nhất cao trong việc xác định và xử lý các hành vi vi phạm. Nguyên nhân là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT chưa đầy đủ, một số quy định không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; chưa phân cấp cụ thể thẩm quyền thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BVMT; công tác tổng hợp và rà soát giữa kế hoạch thanh, kiểm tra về BVMT của Bộ TN-MT và kế hoạch thanh, kiểm tra của địa phương chưa thực hiện tốt.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phối hợp giữa địa phương và Bộ TN-MT trong thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực BVMT, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và có chất lượng việc sửa đổi, bổ sung Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành luật để hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT được đầy đủ và rõ ràng. Về phía bộ, cần có quy định cụ thể về phân cấp thẩm quyền thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BVMT để tránh sự trồng chéo trong quá trình thực hiện; bộ cũng cần tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện các luật, nghị định, thông tư mới ban hành đặc biệt là các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh, kiểm tra; thực hiện thanh, kiểm tra đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ; đồng thời, nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cả nước.

 THANH SỬ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên