Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan

Cập nhật: 25-06-2020 | 08:11:15

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước là chủ trương đang được huyện Dầu Tiếng triển khai thực hiện nghiêm túc và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý nhà nước không chỉ hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả mà còn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.

 Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước ở huyện Dầu Tiếng đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong ảnh: Họp trực tuyến giúp giảm chi phí, thời gian, bảo đảm kịp thời, thuận lợi

 Hiện đại hóa nền hành chính

Thời gian qua, hoạt động cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của xã Định Thành đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thông qua một loạt các biện pháp như cải cách TTHC gắn với thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông”, công khai hóa, minh bạch hóa các quy định về TTHC đã tạo mối quan hệ tích cực giữa chính quyền địa phương với người dân trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Mai, một người dân ở ấp Rạch Đá, xã Định Thành, cho biết: “Hiện nay xã giải quyết thủ tục nhanh gọn hơn trước, có giấy hẹn và trả kết quả đúng lịch hẹn. Tôi thấy như vậy là rất tốt…”.

Để có sự chuyển biến tích cực trong công tác cải cách TTHC, thời gian qua Đảng ủy, UBND xã Định Thành thường xuyên lãnh đạo, quan tâm thực hiện các quy định về công tác cải cách TTHC, như: Tuyên truyền cải cách TTHC; công khai, niêm yết đầy đủ bộ TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã. Song song đó, UBND xã đã chú trọng thực hiện chủ trương ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính ở xã. Ông Nguyễn Toàn Sang, Chủ tịch UBND xã Định Thành, cho biết nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được trang bị đầy đủ trang thiết bị theo quy định như máy lạnh, máy vi tính, máy in, máy nước uống nóng lạnh, tủ đựng hồ sơ, bàn cho nhân dân ngồi viết hồ sơ… Song song đó, UBND xã đã triển khai sử dụng phần mềm một cửa, một cửa liên thông và trang bị hệ thống lấy số tự động tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, duy trì thực hiện tốt phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc và hộp thư công vụ trong quản lý công việc của cơ quan. Đặc biệt, xã đã triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của UBND; sử dụng mạng nội bộ (LAN) trong trao đổi công việc. Hiện tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt 100%.

Tăng cường họp trực tuyến

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động hành chính, thời gian gần đây huyện tổ chức thường xuyên các cuộc họp trực tuyến và triển khai thực hiện giải pháp phòng họp không giấy tờ (e-Cabinet) và ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh do đơn vị VNPT tỉnh cung cấp. Hiện nay, huyện đã tổ chức giải pháp phòng họp không giấy tờ trên tất cả các cuộc họp HĐND, UBND cấp huyện. Mặt khác, huyện còn tăng cường sử dụng văn bản điện tử qua phần mềm quản lý văn bản liên thông và sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi công việc giữa các cơ quan hành chính và cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cấp xã.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng chữ ký số cũng đã được tăng cường tại các cơ quan, phòng ban huyện và UBND các xã, thị trấn. Đến nay, huyện Dầu Tiếng đã được cấp 85 chứng thư số cá nhân (lãnh đạo) và chứng thư số cơ quan cho các ngành trực thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn. Đồng thời huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện ứng dụng chữ ký số khi ban hành văn bản điện tử trên môi trường mạng.

Tiếp tục triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020, huyện Dầu Tiếng đề ra các mục tiêu: 100% cơ quan huyện, xã - thị trấn thực hiện phần mềm quản lý văn bản 4 cấp; 100% UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai phần mềm một cửa điện tử tập trung; xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến các xã, thị trấn và thay thế các cuộc họp, hội nghị theo phương thức truyền thống bằng các cuộc họp, hội nghị trực tuyến để tiết kiệm chi phí tổ chức, thời gian và nhân lực…

Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết huyện sẽ đầu tư, bổ sung trang thiết bị CNTT bị hỏng hoặc không phù hợp kỹ thuật; nâng cấp dung lượng hệ thống lưu trữ tập trung tại phòng máy chủ; nâng cấp hệ thống mạng nội bộ tại các phòng, ban của huyện và UBND các xã, thị trấn phục vụ xây dựng chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ các cơ quan, phòng ban, UBND xã - thị trấn phần mềm quản lý văn bản, hệ thống mạng nội bộ toàn huyện, phần mềm một cửa điện tử tập trung, hộp thư công vụ; phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh triển khai các điểm cầu hội nghị trực tuyến đến cấp xã cũng như tăng cường thực hiện giải pháp họp không giấy tờ và ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh trong các cuộc họp HĐND, UBND huyện. Song song đó, huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kịp thời việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm. Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về hiệu quả ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị mình..

Những kết quả đạt được về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước ở huyện Dầu Tiếng là nền tảng để huyện tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo UBND huyện Dầu Tiếng, đến nay hạ tầng mạng nội bộ của UBND huyện được xây dựng đã kết nối đến tất cả các cơ quan, phòng ban. Hạ tầng mạng nội bộ của UBND các xã, thị trấn từng bước được chuẩn hóa. 12/12 xã, thị trấn đều có mạng nội bộ. 100% máy tính được kết nối vào mạng nội bộ. Song song đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin được các cơ quan đơn vị duy trì ổn định. Hầu hết các cơ quan cấp huyện đã được trang bị các giải pháp an toàn thông tin và cử cán bộ theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn mã độc, cập nhật hệ điều hành windows, sao lưu dữ liệu dự phòng, phục hồi dữ liệu...

Đến nay, tỷ lệ các cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản cấp huyện đến các xã, thị trấn đạt 100%. Có 32 cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện được triển khai phần mềm. Huyện đã có 19 dịch vụ công mức độ 3 và 17 dịch vụ công mức độ 4 được đăng ký. Phần mềm một cửa điện tử tập trung đã được triển khai cấp huyện và đang tiếp tục triển khai, đưa vào sử dụng cấp xã.

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên