Họa sĩ Nguyễn Văn Quý: Sơn mài là duyên nợ

Cập nhật: 19-03-2015 | 10:24:44

Bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống như nghề sơn mài Bình Dương cần lắm những con người tài năng và tâm huyết như họa sĩ sơn mài Nguyễn Văn Quý, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Được trò chuyện với anh, tôi tin rằng sơn mài Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy giá trị cội nguồn của nó...

 Họa sĩ Nguyễn Văn Quý đang “thổi hồn” cho tranh

Vừa vinh dự nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa văn nghệ của tỉnh, nhận giải ba trong cuộc thi sáng tác chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, song trong cuộc trò chuyện, anh Quý không hề nhắc đến thành tích của mình. Đến nhà anh, tôi càng ấn tượng và khâm phục hơn khi biết tất cả những tác phẩm nghệ thuật trưng bày đều do anh Quý sáng tác, thực hiện từ khâu đầu cho tới thành phẩm.

“Những người như Hồ Hữu Thủ, Dương Sen... đều học nghề sơn mài từ chất liệu sơn ta trên đất Bình Dương. Giờ họ đã là những người thành danh trên lĩnh vực sơn mài tại TP.HCM. Vậy tại sao mình sống ngay tại quê hương sơn mài mà lại để nghề thủ công truyền thống này bị mai một”, anh Quý mở đầu câu chuyện như thế. Tự hào vì được sinh ra trên chiếc nôi sơn mài và tình yêu dành cho nghệ thuật sơn mài truyền thống đã thôi thúc anh Quý gắn bó và sáng tác tranh sơn mài.

Với anh Nguyễn Văn Quý, sơn mài dường như đã là duyên, là nợ. Năm 1983 anh tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật chuyên ngành sơn mài trang trí tại trường Mỹ thuật công nghiệp Sông Bé. Đến năm 1998, anh thi vào trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM với chuyên ngành mỹ thuât tạo hình - hội hoạ, rồi gia nhập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Từ đây, sự nghiệp sáng tác của anh bước vào giai đoạn thăng hoa và được công chúng biết đến qua những tác phẩm để lại nhiều ấn tượng như “Chim phóng sanh”, “Giao mùa”, “Giao hòa” hay bộ tác phẩm “Rồng”.

Anh Quý còn là nghệ nhân hoạt động tích cực trong gìn giữ giá trị truyền thống của làng nghề. Để trang bị thêm kiến thức, anh dự thi cao học tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Từ đây, những bài viết, nghiên cứu khoa học của anh về bảo tồn làng nghề truyền thống được đánh giá cao trên các diễn đàn. Bên cạnh đó, anh còn đảm nhận nhiều vai trò như Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh; Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh..

 SONG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên