Hồ sơ quan hệ lao động: Chìa khóa xây dựng quan hệ lao động ổn định

Cập nhật: 31-08-2016 | 07:18:38

 Với ý nghĩa giảm thiểu nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) đã xây dựng thí điểm hoạt động “Hồ sơ quan hệ lao động (HSQHLĐ)” tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động này nhằm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động hài hòa và phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lao động.

Từ một đơn vị

Sau khi nhận được công văn của Sở LĐ-TB&XH, các Phòng LĐ-TB&XH đã cử hòa giải viên lao động (HGVLĐ) có năng lực, trình độ tham gia thực hiện thí điểm hoạt động HSQHLĐ cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, Phòng LĐ- TB&XH thành phố đã triển khai việc xây dựng hồ sơ cho 3 doanh nghiệp Công ty TNHH Phát triển; Công ty TNHH Phú Xuân, Công ty TNHH Precious Garments Việt Nam.

Xây dựng Hồ sơ quan hệ lao động nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công. Trong ảnh: Công nhân lao động Công ty TNHH Precious Garments Việt Nam tích cực sản xuất

Anh Lương Thiện, HGVLĐ-người trực tiếp tham gia tiến hành khảo sát và điền HSQHLĐ cho biết: “Sau buổi tập huấn và lựa chọn doanh nghiệp điều tra, tôi trực tiếp gọi điện đến doanh nghiệp để gửi phiếu khảo sát; đồng thời hướng dẫn cách điền thông tin để các đối tượng tự làm. Để thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động (NLĐ), tôi phải gửi email mẫu HSQHLĐ để họ kham khảo trước, sau đó hẹn thời gian cụ thể xuống trực tiếp doanh nghiệp lấy thông tin. Thường chủ doanh nghiệp cử đại diện nhân sự và Ban Chấp hành Công đoàn doanh nghiệp tiếp và cung cấp thông tin”. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, anh Thiện còn hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ theo quy định pháp luật, tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại tại doanh nghiệp và xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở.

Trên tinh thần tôn trọng, ghi nhận ý kiến của các bên tham gia, cộng với những thông tin đã nắm tại doanh nghiệp HSQHLĐ của từng công ty được thiết lập rất chi tiết. Điển hình như Công ty TNHH Precious Garments Việt Nam, NLĐ chưa quan tâm đến các hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động đối với người sử dụng lao động. Thông qua phiếu khảo sát của NLĐ, NLĐ còn hiểu biết chung chung về quyền lợi của mình và chưa quan tâm đến các phương thức đối thoại. Hay Công ty TNHH Phú Xuân cũng đã tự ý thay đổi các chính sách đang áp dụng mà chưa tìm hiểu nguyện vọng của NLĐ. Mặc dù công ty đã có quy định về cơ chế phối hợp giữa Ban chấp hành công đoàn và bộ phận nhân sự nhưng sự phối hợp chưa mang lại hiệu quả cao nên NLĐ còn bị thiệt thòi.

Kết quả bước đầu

Sau 3 tháng triển khai hoạt động, sở đã tiến hành tập huấn, xây dựng hệ thống mạng lưới các HGVLĐ tại các huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay đã xây dựng thí điểm hồ sơ cho 18 doanh nghiệp có nguy cơ cao về tranh chấp lao động như: Công ty TNHH Phú Xuân, Công ty TNHH Giày Hân Xương, Công ty TNHH Yatch Việt Nam, Công ty Cổ phần VRG Khải Hoàn, Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam… Căn cứ trên mẫu HSQHLĐ và các hướng dẫn về mặt kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, các HGVLĐ tiến hành thu thập, xử lý thông tin và xây dựng HSQHLĐ chi tiết trong từng doanh nghiệp được lựa chọn bằng nhiều hình thức, như các báo cáo, số liệu thống kê, thăm dò ý kiến, phỏng vấn hoặc thảo luận nhóm… với các chủ thể quan hệ lao động khác nhau trong doanh nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hòa giải viên đánh giá HSQHLĐ, Sở LĐ-TB&XH đã hỗ trợ, giúp doanh nghiệp cung cấp thông tin theo mẫu đầy đủ, chính xác.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do hoạt động mới, chưa có sự ràng buộc về văn bản pháp luật, thời gian thực hiện ngắn, HGVLĐ phải kiêm nhiệm nhiều việc, doanh nghiệp chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng hồ sơ nên chưa quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, một số câu hỏi của phiếu khảo sát có nội dung trùng lắp nên gây khó khăn, lúng túng cho hòa giải viên trong việc lựa chọn thông tin chính xác đề điền vào hồ sơ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2013-2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 255 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công tại 250 doanh nghiệp; trong đó có 74,8% số vụ xảy ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tình hình tranh chấp lao động, đình công ở một số doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường đầu tư, quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Để tiếp tục triển khai các hoạt động của Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch hoạt động thí điểm xây dựng HSQHLĐ đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tranh chấp lao động. Mục tiêu của hoạt động này nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu cần thiết để theo dõi đánh giá tình hình quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Từ đó có những giải pháp hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững.

KIM HÀ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên