Hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo: Hiệu quả thiết thực từ nhiều phía

Cập nhật: 16-10-2020 | 08:05:49

Xác định việc chăm sóc sức khỏe là một trong 5 dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh (KCB) cho các đối  tượng này. Quyết định 3393/QĐ-UBND của UBND tỉnh về “Hỗ trợ một phần chi phí KCB cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh” là giải pháp thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đã được tỉnh triển khai hiệu quả.

Người nghèo luôn được các ngành, đoàn thể quan tâm, tổ chức khám, phát thuốc miễn phí

Niềm vui của người bệnh

Có dịp gặp gỡ một số đối tượng được nhận hỗ trợ một phần chi phí KCB theo Quyết định 3393 của UBND tỉnh, chúng tôi cảm nhận  được  niềm vui, sự phấn khởi  của  họ. Chính sự hỗ trợ này, người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất đã giảm bớt gánh nặng về kinh tế mỗi khi ốm đau, bệnh tật, từ đó có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Đã nghèo, giờ  đây  gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc, phường An Phú, TP.Thuận An lại “gặp cái eo”. Mới đây, con của chị là em Trần Ngọc Thái (10 tuổi) được các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư máu giai đoạn đầu. Để có tiền điều trị bệnh cho con, các tài sản có giá trị trong nhà chị Ngọc đều mang đi bán. Em Thái có bảo  hiểm  y tế (BHYT) nhưng trong quá trình điều trị, một số thuốc  đặc trị không có trong danh mục BHYT. Được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và đặc biệt sự hỗ trợ một phần chi phí KCB cho người gặp khó khăn đột xuất của tỉnh, gia đình chị Ngọc có thêm điều kiện trị bệnh cho  con  và  ổn  định cuộc sống. Ông Võ Văn Bồi, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng bị bệnh viêm phổi và cao huyết áp kinh niên nên thường  xuyên  phải  đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gia đình ông Bồi thuộc hộ nghèo nên chi phí đi lại, khám và điều trị dài ngày tại bệnh viện là gánh nặng không nhỏ đối với gia đình. Tuy nhiên, do được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 3393 của  UBND  tỉnh  nên việc  KCB  cho  ông  Bồi đã không còn là điều quá khó khăn với gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bồi cho biết: “Ngoài việc được địa phương cấp thẻ BHYT, tôi còn được  hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú và chi phí đi lại. Việc hỗ trợ này đã giúp gia đình tôi giảm bớt nỗi lo mỗi khi tôi bị bệnh và không còn cảnh bị bệnh mà không được đến trung tâm y tế để chữa trị”.

Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: “Qua những trường hợp thực tế cho thấy, đối với người nghèo, khókhănđộtxuấtthìviệchỗtrợ một phần chi phí y tế giữ vai trò quan trọng. Thấy được ý nghĩa đó, trung tâm đã phối hợp nhịp nhàng với các địa phương trong công tác thanh toán để bảo đảm người nghèo được hưởng các chế độ theo đúng quy định. Các thủ tục hành chính trong KCB, nhất là thanh toán quyền lợi về BHYT được thực hiện nhanh gọn, hướng đến sự hài lòng của người bệnh”.

Chia sẻ gánh nặng với người nghèo

Thực hiện chính sách hỗ  trợ y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Bình Dương thực hiện khá tốt nội dung này. Thực tế khảo sát cho thấy, người nghèo, người khó khăn đột xuất thường hay mắc các bệnh nan y, hiểm nghèo, như ung thư, chạy thận nhân tạo nên chi phí điều trị rất tốn kém. Các đối tượng được thụ hưởng từ Quyết định 3393, bao gồm: Người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các địa bàn thuộc vùng khó khăn, người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.

Theo thống kê của Sở Y tế, những năm qua, đơn vị này đã phối hợp các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ một phần chi phí KCB theo Quyết định 3393/ QĐ-UBND của UBND tỉnh với kinh phí hỗ trợ cho 408 hồ sơ là hơn 1,6 tỷ đồng.  Ngoài  ra, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các ngành khám, phát thuốc cho gần 16.000 lượt người nghèo với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng, khám điều trị cho hơn 3.500 lượt bệnh nhân cận nghèo với tổng kinh phí  2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các huyện, thị, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng cấp 19.548 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người thoát nghèo với tổng kinh phí hơn 14,6 tỷ đồng.

Tiến sĩ, bác sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết thời gian gần đây bệnh nhân nghèo ngày càng tăng với các loại bệnh, như: Ung thư gan, suy thận, tim… Những bệnh nhân này đều có BHYT nhưng trong quá trình điều trị, một số thuốc đặc trị không có trong danh mục BHYT nên họ thật sự khó khăn. Quyết định 3393 của UBND tỉnh là chủ trương đúng đắn, kịp thời nhằm giảm bớt gánh nặng về chi phí y tế cho người nghèo, hướng đến an sinh xã hội.

Thông tin thêm về hoạt động hỗ trợ y tế cho người nghèo, khó khăn đột xuất, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thực hiện Quyết định 3393/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Sở Y tế đã triển khai hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại, tiền KCB cho bệnh nhân là người nghèo, khó khăn đột xuất. Việc thực hiện các chế độ, chính sách KCB được thực hiện rất tốt ở một số cơ sở y tế. Thời gian tới, ngành sẽ tích cực phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục rà soát, thống kê các đối tượng được thụ hưởng, xây dựng dự toán kinh phí hoạt động một cách phù hợp, đẩy mạnh việc quản lý, giám sát hoạt động nhằm bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên