Hỗ trợ người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài

Cập nhật: 25-06-2019 | 09:30:52

Ngày 20-7-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2018/NĐ-CP (Nghị định 102) quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài. Đây là chính sách mới nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương có cuộc phỏng vấn thượng tá Vũ Xuân Thảo, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.


TX.Tân Uyên tổ chức hội nghị điểm triển khai thực hiện Nghị định số 102

- Theo Nghị định 102, những đối tượng nào được hưởng chế độ hỗ trợ, thưa thượng tá?

- Điều 2 của Nghị định 102 quy định đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ, gồm: Người đã có quyết định công nhận là người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng (bao gồm cả thân nhân của liệt sĩ được hưởng trợ cấp hàng tháng) theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, đang định cư ở nước ngoài nhưng bị dừng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng do hoạch định biên giới quốc gia.

Những người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; dân công hỏa tuyến, được Ủy ban hành chính hoặc UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung và được giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị quân đội hoặc phục vụ tại các chiến trường, đang định cư ở nước ngoài.

Một trong các thân nhân của đối tượng trên như cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp theo quy định của pháp luật cũng được hưởng chế độ theo Nghị định 102. Thân nhân các đối tượng hưởng chế độ ủy quyền lập hồ sơ, nhận chế độ, chính sách (gọi chung là người được ủy quyền).

- Như vậy, chế độ hỗ trợ cho các đối tượng được tính như thế nào?

- Theo đó, người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài được hưởng chế độ hỗ trợ như sau: Từ đủ 2 năm công tác trở xuống, mức hỗ trợ bằng 4 triệu đồng; trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1,5 triệu đồng. Nếu người được hưởng đã từ trần trước ngày 5-9-2018 thì thân nhân được hỗ trợ một lần bằng 6 triệu đồng.

Tại Bình Dương, đối tượng được hưởng chế độ này tuy không nhiều, nhưng do đặc điểm chung của đối tượng đang định cư ở nước ngoài, trình tự xác lập hồ sơ phức tạp, đòi hỏi có thời gian nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. 

Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, các đối tượng còn được hưởng một số chế độ đãi ngộ khác, như: Được cấp “Giấy chứng nhận” người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Nếu về nước định cư thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đối với người có công; khi từ trần thì người lo mai táng được trợ cấp mai táng phí. Thẩm quyền giải quyết chế độ hỗ trợ này do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện.

- Thưa thượng tá, để các đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định 102, Bình Dương đã triển khai thực hiện như thế nào?

- Để kịp thời triển khai thực Nghị định 102, Ban chỉ đạo 24 Bình Dương đã ban hành kế hoạch và lấy TX.Tân Uyên (làm điểm) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 102.

Sau TX.Tân Uyên, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cũng đã và đang triển khai tập huấn nghị định trên đến các đối tượng. Dự kiến đến hết tháng 7-2019 sẽ kết thúc đợt triển khai. Qua đó nhằm giúp các thành viên Ban chỉ đạo 24 các huyện, thị, thành phố; Hội đồng chính sách các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nắm rõ về thủ tục, hồ sơ và quy trình tổ chức thực hiện chế độ chính sách, đãi ngộ đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Để triển khai thực hiện tốt Nghị định 102, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ, Hội Cựu chiến binh tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, sớm có chủ trương, biện pháp thực hiện; kịp thời giải đáp và xử lý những vướng mắc phát sinh, từng giai đoạn tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, bảo đảm 100% địa phương, đơn vị thực hiện đúng chế độ theo Nghị định 102 của Chính phủ.

- Xin cám ơn thượng tá!

Những đối tượng đang định cư ở nước ngoài sẽ liên hệ cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài để được hướng dẫn làm hồ sơ hưởng chế độ theo Nghị định 102. Trường hợp những người được ủy quyền nhận chế độ đang sinh sống trong nước, liên hệ chính quyền địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn làm các thủ tục.

Hồ sơ là giấy tờ gốc hoặc có liên quan (bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc, bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu, bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước hoặc ở nước ngoài) chứng minh thuộc đối tượng là người có công với cách mạng hoặc thân nhân.

THIÊN LÝ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên