Hoàng Sa muôn đời của Việt Nam

Cập nhật: 13-06-2014 | 00:00:00

Bất chấp dư luận quốc tế, bất chấp những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, Trung Quốc (TQ) vẫn không rút giàn khoan Hải Dương - 981 hạ đặt trái phép tr ong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hơn 1 tháng qua, TQ ngang ngược sử dụng vũ lực tấn công các tàu thực thi pháp lu ật của Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên biển và tàu cá của ngư dân Việt Nam.  

Ảnh chụp từ bộ Atlas thế giới Bruxelles - 1827 khẳng định cực Nam của Trung Quốc giới hạn ở đảo Hải Nam

 Ngày 8-6, Bộ Ngoại giao TQ lại công bố tài liệu biện minh cho yêu sách “chủ quyền” của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa, biện hộ cho hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa của Việt Nam. Mặc dù lớn tiếng khẳng định chủ quyền với cái gọi là Tây Sa (mà thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), nhưng TQ không đưa ra được chứng cứ thuyết phục nào. Giới lãnh đạo TQ cũng như các học giả nước này luôn né tránh hoặc giải thích quanh co khi được yêu cầu làm rõ về chủ quyền mà TQ đã tuyên bố. Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng pháp lý cũng như lịch sử để chứng minh chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

TQ yêu sách chủ quyền đối với quần đảo “Tây Sa”, tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo nguyên tắc “chủ quyền lịch sử”. Lập luận của nước này là người TQ đã phát hiện ra các đảo này sớm nhất và đã đặt tên cho chúng; ngư dân TQ đã khai thác các đảo này từ hàng ngàn năm nay. Điều đó chứng minh chủ quyền của TQ. TQ đã thực hiện các hành động cai quản ở quần đảo này từ lâu đời…

Căn cứ nguyên tắc của luật pháp quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ cho đến nửa cuối thế kỷ XIX, lập luận này của TQ liệu có đứng vững được không?

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, bản đồ cổ chính là những yếu tố khách quan có từ xa xưa đã phản ánh đúng thực tế lịch sử: “Bản đồ là hết sức khách quan của những người phương Tây hoặc từ những tác giả từ rất xa xưa khi mà chưa nảy sinh những vấn đề tranh chấp của ngày hôm nay. Tất cả những yếu tố khách quan đó càng chứng minh được, chủ quyền của chúng ta đã được xác lập từ xưa, cộng với những nguồn sử liệu trong nước, đặc biệt là những sử liệu thể hiện việc thực thi quyền quản lý liên tục, hòa bình, kể cả trách nhiệm đối với hàng hải thế giới. Những yếu tố xa xưa ấy lại là những giá trị rất thời sự cho ngày hôm nay.”

 

Từ cuối thế kỷ XV, luật quốc tế công nhận các hành vi tượng trưng của việc sáp nhập lãnh thổ do quốc gia phát hiện ra thực hiện như là danh nghĩa nguyên thủy của việc chiếm hữu. Nhưng phát hiện với ý định sở hữu là chưa đủ để tạo ra quyền sở hữu đối với lãnh thổ vô chủ cho quốc gia phát hiện. Yếu tố tinh thần này phải được củng cố bằng yếu tố vật chất qua việc chiếm hữu thực sự, hiệu quả và quản lý hành chính trong một thời gian hợp lý, mà độ dài phụ thuộc vào hai yêu cầu: Một là, sự khẳng định quyền lực trong vùng đó đối với không chỉ các chủ thể trong nước mà cả với các chủ thể ngoài nước. Hai là, không có tranh chấp từ phía quốc gia khác. Tóm lại, quốc gia đó cần phải chứng minh được rằng, việc chiếm hữu là rõ ràng, hòa bình, liên tục và không có tranh cãi.

Đáng chú ý, riêng quyền phát hiện không được coi là đủ để bảo đảm quyền chiếm hữu xác định. Nó phải được củng cố bằng sự chiếm cứ thực sự do Nhà nước thực hiện. Việc một cá nhân hoặc nhiều cá nhân là công dân của một nước thực hiện hành vi chiếm hữu với tư cách cá nhân sẽ không tạo ra một danh nghĩa chủ quyền cho Nhà nước đó.

Về danh nghĩa lịch sử hay quyền phát hiện, Sách trắng của Bộ Ngoại giao TQ ngày 30-1- 1980 với nhan đề Chủ quyền không thể tranh cãi của TQ trên các đảo Tây Sa và Nam Sa, khẳng định: “Từ thời Hán Vũ đế trước Công lịch hai thế kỷ, nhân dân TQ đã bắt đầu đi lại trên biển Nam. Trải qua thực tiễn hàng hải lâu dài, nhân dân TQ đã lần lượt phát hiện các quần đảo Tây Sa và Nam Sa”. Để chứng minh danh nghĩa lịch sử của họ, phía TQ đã dựa trên những cuốn sách chính, như: Nam châu dị vật chí; Vũ kinh tổng yếu; Mộng Lương Lục; Đảo di chí lược; Đông Tây dương khảo; Độc sử phương dư kỷ yếu…

Tuy nhiên, các sách này hoàn toàn không phải là các chính sử do các cơ quan của Nhà nước TQ ấn hành. Không phải là những phát hiện với ý định sở hữu, nguồn tài liệu này đều là các chuyên khảo, tài liệu địa dư hoặc các sách hàng hải do các nhà địa lý hoặc nhà hàng hải chép về các chuyến đi, mô tả về các lãnh thổ, thể hiện những nhận biết chung về địa lý liên quan không chỉ tới lãnh thổ TQ mà còn là lãnh thổ của các nước khác. Những tài liệu này không đưa ra cơ sở khoa học vững chắc để kết luận rằng những địa điểm được đề cập trong các tác phẩm đó là Hoàng Sa mà TQ đã sở hữu hơn 2.000 năm.

Theo ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về cổ sử và cổ địa dư TQ, những tài liệu do phía TQ đưa ra không có hiệu lực pháp lý: “Thời xưa, TQ có những nhà du hành, hàng hải, những thương thuyền… Họ đi giao thiệp về chuyện buôn bán ở phía Nam. Trong quá trình đi, họ thấy những vùng đảo. Họ ghi chép lại. Đó là dạng sách du ký, không phải tư liệu chính thống của chính quyền TQ. Để xác lập chủ quyền, những điều được biên chép phải nằm trong chính sử, sách địa chí, TQ gọi là phương chí, những phương tiện được Nhà nước thừa nhận”.

Mặt khác, sự tiếp xúc riêng rẽ của những cư dân Trung Quốc đối với Hoàng Sa liệu có đủ để thiết lập chủ quyền của nước này tại đó không?

So sánh với các tiêu chuẩn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, các ghi chép mà Trung Quốc viện dẫn không đủ chứng minh rằng quyền phát hiện đã được xác lập. Một đảo hoặc một quần đảo có thể là đối tượng nhận biết từ lâu đời của các nhà hàng hải, các ngư dân, các nhà địa lý… nhưng chúng vẫn chỉ được coi là lãnh thổ vô chủ một khi quốc gia của họ chưa tiến hành một hành động Nhà nước nào tại đó. Các hoạt động tư nhân của các ngư dân TQ không thể mang lại hiệu lực pháp lý của “quyền phát hiện” và nó không thể được đánh đồng với quyền chiếm hữu.

Ông Hồ Bạch Thảo, nhà nghiên cứu về biển Đông người Mỹ gốc Việt, một chuyên gia cổ sử chỉ rõ, việc “chiếm cứ” này thiếu hẳn ý định của Nhà nước sáp nhập các đảo đó vào lãnh thổ quốc gia. “Tôi nghiên cứu tất cả các sử liệu thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh cho đến nhà Thanh thì chưa bao giờ thấy các nhà vua TQ xác nhận chỗ đó là lãnh thổ TQ. Chuyện ngư dân TQ khai thác cá, đánh bắt hải sản có thể xảy ra bất cứ thời nào. Chuyện đó không thể là căn cứ để khẳng định chủ quyền được. Chủ quyền phải do quốc gia thiết lập”, ông Hồ Bạch Thảo nhấn mạnh.

Mặt khác, các thủy thủ và ngư dân TQ không phải là những người duy nhất qua lại các quần đảo. Biển Đông từ lâu đời đã có thuyền bè của người Ấn Độ, Ả Rập, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và nhiều nước khác tới lui. Có thể các hoạt động của ngư dân sẽ kéo theo sự chú ý và ý định của Nhà nước trên lãnh thổ vô chủ. Tuy nhiên, yếu tố ý chí này không đủ khi còn thiếu yếu tố vật chất của các hoạt động Nhà nước trên thực địa. (Mời bạn đọc xem tiếp trong số báo tới)

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=520
Quay lên trên