Học sinh trường nghề: Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cập nhật: 28-11-2018 | 07:40:01

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, với xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Chính vì vậy, hiện nay không chỉ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), mà ngay cả các giáo viên dạy nghề cũng đang đổi mới cách giảng dạy, chú trọng việc đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và khu vực.

 Sinh viên nghề cơ điện tử trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương thực hành trên hệ thống mô phỏng nhà máy sản xuất tự động

Đổi mới từ trong giảng dạy

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, do đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cuộc CMCN 4.0 là vấn đề tất yếu hiện nay. Đối với Bình Dương, hầu hết các cơ sở GDNN đều đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại; cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ, chuyên môn cao, kịp thời đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đầu tư trang thiết bị, các trường nghề còn khuyến khích đội ngũ giáo viên sáng tạo, đổi mới cách giảng dạy để học sinh, sinh viên nắm rõ lý thuyết, vững thực hành. Không đơn thuần là những bài lý thuyết suông, hay thực hành đơn điệu như trước đây, hiện nay thầy Nguyễn Khánh Duy, giáo viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương đang dạy học bằng các bài giảng tích hợp. Bài giảng đó có cả thực hành và lý thuyết để các em học tới đâu nắm tới đó. Tập cho các em học sinh, sinh viên tinh thần làm việc tập thể, thầy còn chia lớp thành những nhóm nhỏ để cùng thực hiện các sản phẩm mạch điện tử. Nhóm có sản phẩm đẹp sẽ được tặng những phần quà nhỏ động viên. Cách dạy này giúp các em biết cách phân chia công việc trong nhóm và xâu chuỗi ý tưởng hay để hoàn thành sản phẩm. Cũng nhờ những đổi mới trong giảng dạy, khoa của thầy vừa có học sinh, sinh viên đạt giải nhất Hội thi tay nghề trẻ cấp tỉnh.

Trước yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng vì khoa học không ngừng thay đổi và mỗi người thầy luôn luôn phải tự đổi mới, tìm tòi kiến thức để phù hợp hơn với sự thay đổi của thời đại cũng như công nghệ. Từ đó, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhất vào giảng dạy, giúp học sinh, sinh viên đạt được tay nghề tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Người thầy trong các cơ sở GDNN không chỉ là người đào tạo, trang bị các kỹ năng cho người học mà còn phải đóng vai trò kết nối người học với thị trường lao động. Xác định nhiệm vụ đó của “người đưa đò” trong thời buổi công nghệ, thầy Đỗ Việt Dũng, giáo viên Khoa Điện công nghiệp - Điện lạnh trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, ngoài dạy tốt, thầy còn nghiên cứu, sáng tạo những mô hình hay để ứng dụng trong bài giảng và ứng dụng thực tế. Những bài giảng của thầy đã đạt các giải cao tại Hội giảng GDNN cấp tỉnh, toàn quốc.

Định hướng đào tạo

Để đáp ứng nhu cầu của cuộc CMCN 4.0, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và GDNN nói riêng bắt buộc phải đổi mới từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường. Việc thay đổi phải bắt đầu từ tư duy của những người trong cuộc, sẵn sàng tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ; xây dựng mô hình đào tạo mở, tạo cơ hội tương tác nhiều hơn cho cả người dạy và người học; đồng thời gia tăng sự kết nối, chia sẻ thông tin, lợi ích, cũng như trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động. Để làm được điều đó, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực GDNN; hướng dẫn các cơ sở GDNN tổ chức thực hiện các thông tư, quy định mới…

Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, với nhu cầu tuyển dụng lao động khá cao, đòi hỏi Bình Dương phải triển khai các giải pháp thu hút nguồn nhân lực; đồng thời tập trung đầu tư, đẩy mạnh chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN, đáp ứng nguồn lao động chất lượng cao cho địa phương. Chính vì vậy, năm học 2018-2019, nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở GDNN là nâng cao năng lực cho cán bộ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN, năng lực cơ sở GDNN; đổi mới quản lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy; nghiên cứu, đề xuất hoạt động đào tạo, giải pháp phát triển GDNN đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

 “Năm 2018, GDNN được coi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Qua 1 năm thực hiện, việc tổ chức đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X