Hỏi đáp Chính sách Lao động – Việc làm ngày 20-8

Cập nhật: 20-08-2016 | 06:29:02

Hỏi: Tôi vào làm việc cho công ty may với chức danh nghề công nhân may, vậy tôi phải được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn có đúng không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012, hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng; hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

Việc bạn và công ty (người sử dụng lao động) giao kết hợp đồng lao động là hợp đồng lao động không xác định thời hạn hay hợp đồng lao động xác định thời hạn là tùy theo tính chất công việc. Nếu công ty xác định được thời điểm kết thúc thì công ty có quyền ký hợp đồng lao động có thời hạn với bạn. Kể cả trong trường hợp công việc đó không xác định được thời gian, thời điểm kết thúc thì công ty vẫn có thể có quyền thỏa thuận giao kết hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng với bạn trong trường hợp để tạm thời thay thế người lao động khác đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Như vậy, trường hợp của bạn khi vào làm việc với công ty phải được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là không đúng.

Hỏi: Sau khi hoàn thành hợp đồng và trở về, tôi cần làm gì để thanh lý hợp đồng với công ty phái cử? Sau khi tôi hoàn thành hợp đồng mà doanh nghiệp không thanh lý hợp đồng thì tôi phải làm thế nào? Doanh nghiệp đó có sai phạm không?

Trả lời: Sau khi hoàn thành hợp đồng với người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) phải về nước đúng hạn. Trong vòng 180 ngày kể từ ngày kết thúc hợp đồng, NLĐ phải thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp phái cử.

Doanh nghiệp phái cử có trách nhiệm thanh lý hợp đồng với NLĐ như sau: Thanh lý hợp đồng giữa doanh nghiệp và NLĐ phải được làm thành văn bản thanh lý hợp đồng phải có các nội dung: Lý do thanh lý, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, các khoản thanh toán giữa doanh nghiệp và NLĐ, những nội dung khác đã được thảo luận. Trong trường hợp NLĐ và doanh nghiệp đã thỏa thuận về đặt cọc và bảo lãnh, sau khi thanh lý hợp đồng, doanh nghiệp phải thanh lý hợp đồng ký quỹ, hợp đồng bảo lãnh với NLĐ và trả lại mọi khoản tiền đặt cọc (bao gồm cả lãi suất theo mức của ngân hàng thương mại). Trong trường hợp NLĐ đã hoàn thành hợp đồng và về nước đúng thời hạn mà doanh nghiệp không thanh lý hợp đồng và trả lại toàn bộ tiền cọc cho lao động là vi phạm pháp luật. Bạn cần liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước để được hỗ trợ. Với hành vi không thanh lý hợp đồng và không trả tiền ký quỹ, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền và buộc bồi thường cho NLĐ và chịu các khoản chi phí phát sinh đối với NLĐ) theo Nghị định 144/2007/NĐ-CP ngày 10-9- 2007 của Chính phủ.

P.V 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên