Hỏi - đáp một số điều cần biết về tiêm chủng

Cập nhật: 22-05-2015 | 09:53:42

 

Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ. Trong ảnh: Tiêm chủng mở rộng cho trẻ tại trường mầm non. Ảnh: Q.NHƯ

- Phụ nữ có thai nên tiêm loại vắc xin gì? Và tiêm ở đâu?

- Phụ nữ mang thai cần tiêm vắc xin uốn ván để phòng bệnh uốn ván cho mẹ và phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho con. Bạn có thể tiêm vắc xin uốn ván ở trạm y tế xã/phường nơi bạn cư trú.

- Con tôi được 10 tháng tuổi, tháng trước cháu có lịch tiêm phòng sởi nhưng vì cháu bị ốm nên tôi không cho cháu đi tiêm. Tôi xin hỏi nếu trẻ trên 9 tháng tiêm phòng sởi còn hiệu quả không?

- Trường hợp con bạn chưa được tiêm phòng sởi lúc 9 tháng tuổi thì bạn cần cho cháu tiêm vắc xin sởi mũi 1 càng sớm càng tốt và tiêm vắc xin sởi mũi 2 khi bé được 18 tháng tuổi để phòng bệnh cho bé. Tiêm đủ mũi vắc xin sởi thì khả năng phòng bệnh của bé lên tới 95%.

- Con tôi 2 tháng tuổi đã được tiêm 1 mũi vắc xin 6 trong 1 (dịch vụ), nhưng sau đó hết vắc xin thì 3 hay 4 tháng sau đó tiêm tiếp được không hay phải tiêm lại từ đầu?

- Vắc xin 6 trong 1 là vắc xin phối hợp phòng 6 bệnh: Bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib và bại liệt. Lịch tiêm phòng vắc xin này là 3 mũi khi trẻ dưới 1 tuổi: trẻ 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Khi trẻ được 18 tháng tuổi sẽ tiêm nhắc lại một mũi.

Nếu trẻ đã được tiêm một mũi vào lúc 2 tháng mà 3 hay 4 tháng sau mới có vắc xin thì có thể tiêm các mũi tiếp theo mà không phải tiêm lại từ đầu. Tuy nhiên trẻ cần được tiêm sớm theo lịch đối với các mũi vắc xin tiếp theo.

- Vì sao phải nhắc lại vắc-xin cho trẻ?

- Những liều vắc-xin tiêm nhắc sẽ giúp cơ thể người được tiêm chủng đạt mức bảo vệ gần như tuyệt đối 100%, một số trường hợp được tiêm vắc xin, nhưng chưa được bảo vệ hoặc mức bảo vệ chưa cao khiến người được tiêm chủng vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh. Việc tiêm nhắc các loại vắc xin sẽ góp phần làm giảm đáng kể bệnh tật nguy hiểm ở trẻ, bảo đảm sự bảo vệ đặc hiệu và lâu bền trong cuộc chiến chống lại những tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho trẻ em. .

BS. CAO THANH TÙNG (Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên