HỎI - ĐÁP VỀ CHÍNH SÁCH AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG

Cập nhật: 22-03-2014 | 00:00:00
Hỏi: Những loại bệnh nào được coi là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm?

Đáp: Theo Danh mục kèm theo Thông tư liên tịch số 08/1998/ TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 20- 4-1998 của liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội, bệnh nghề nghiệp bao gồm 5 nhóm bệnh, trong đó: Nhóm các bệnh bụi phổi và phế quản bao gồm: Bệnh bụi phổi Silis nghề nghiệp; bệnh bụi phổi Atbet (Amiawng); bệnh bụi phổi bông; bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp. Nhóm các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp bao gồm: Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất chì; bệnh nhiễm độc benzen và các hợp chất đồng đẳng của benzen; bệnh nhiễm độc thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân; bệnh nhiễm độc mangan và các hợp chất của mangan; bệnh nhiễm độc TNT (trinitro toluen); bệnh nhiễm độc asen và các chất asen nghề nghiệp; nhiễm độc chất Nicotin nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc hóa chất trừ sâu nghề nghiệp.

Nhóm các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý bao gồm: Bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ; bệnh điếc do tiếng ồn; bệnh rung chuyển nghề nghiệp; bệnh giảm áp mạn tính nghề nghiệp. Nhóm các bệnh da nghề nghiệp bao gồm: Bệnh sạm da nghề nghiệp; bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc. Nhóm các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp gồm: Bệnh lao nghề nghiệp; bệnh viêm gan virut nghề nghiệp; bệnh do xoắn khuẩn Leptospira nghề nghiệp.

Ngoài những bệnh trên, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 27/2006/QĐ-BYT ngày 21-9- 2006 bổ sung 4 bệnh nghề nghiệp vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, gồm: Bệnh hen phế quản nghề nghiệp; nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp; bệnh nốt dầu nghề nghiệp; bệnh viêm loét da, viêm móng và xung quanh móng nghề nghiệp.

Hỏi: Điều kiện để người lao động (NLĐ) hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định như thế nào?

Đáp: NLĐ được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau: Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc bao gồm: Tai nạn xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động được phân công; tai nạn trong thời gian ngừng việc giữa giờ do nhu cầu sinh hoạt đã được chế độ, nội quy quy định như vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; tai nạn trong giờ nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng bằng hiện vật thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc; bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động mà công việc đó gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động được phân công; bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc hoặc ngược lại.

Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn theo quy định nêu trên.

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên