Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên: Thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Cập nhật: 20-10-2014 | 09:15:57

Thời gian qua, công tác hội và phong trào phụ nữ của huyện Bắc Tân Uyên không ngừng được đổi mới. Hội LHPN huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt và đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua hướng về cơ sở; qua đó xây dựng hình ảnh người phụ nữ năng động, sáng tạo, giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Nhiều cán bộ, hội viên Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trong ảnh: Các chi trưởng, tổ trưởng giỏi của Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên nhận giấy khen của UBND huyện. Ảnh: K.TUYẾN

Đưa phong trào về cơ sở

Chị Phan Thị Ngọc Lợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên, cho biết thực hiện phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức hội”, Hội LHPN huyện đã tổ chức thực hiện mô hình “Tất cả là hội viên”. Sau khi triển khai, mô hình đã được hội phụ nữ 10 xã của huyện, mỗi hội chọn 1 chi hội để làm điểm và thực hiện có hiệu quả, bảo đảm về chất lượng và số lượng, góp phần nâng cao tỷ lệ tập hợp chị em vào tổ chức hội, đạt mục tiêu đề ra. Tính đến nay, tổng số hội viên toàn huyện là 8.550 chị em, tỷ lệ tập hợp trong độ tuổi vào tổ chức đạt 68%. Nhờ đẩy mạnh hoạt động về cơ sở, các cấp hội đã thực hiện hóa được nhiều phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Chị Nguyễn Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Bưng Lương, xã Tân Mỹ là một cán bộ hội điển hình của huyện Bắc Tân Uyên. Với vị trí là chi hội trưởng, chị luôn tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên về 4 phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam. Thông qua các kỳ sinh hoạt chi, tổ hội, chị phối hợp với Hội Phụ nữ xã giúp chị em hiểu rõ 4 phẩm chất thông qua các việc làm hiệu quả như duy trì Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc; nâng cao chất lượng kỳ sinh hoạt chi, tổ hội; 100% hội viên thực hành tiết kiệm nuôi heo đất hỗ trợ vốn phát triển kinh tế và giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, chị Lan còn vận động hội viên đóng góp đỡ đầu gạo hàng tháng cho 6 hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 720.000 đồng/tháng; kịp thời cứu trợ đột xuất hội viên khó khăn, bệnh tật; xét tặng học bổng cho học sinh; đề xuất phối hợp với ban ngành, đoàn thể ấp hỗ trợ hiện vật để sửa nhà cho hội viên...

Thực hiện mô hình “Phụ nữ Bắc Tân Uyên thực hành tiết kiệm”, chị Lan cùng với chi hội tiết kiệm để tạo vốn cho hội viên vay. Hiện toàn chi hội với gần 80 hội viên đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá, giúp cho nhiều lượt chị em vay vốn; đồng thời tạo được thói quen thực hành tiết kiệm. Trong các hoạt động xã hội khác như hiến máu tình nguyện, chị cũng luôn đi đầu và vận động người thân, hội viên phụ nữ tham gia.

Tự tin vươn lên thoát nghèo

Năm 2002, chị Hồ Thị Thanh, hội viên Chi hội phụ nữ ấp 3 (xã Tân Thành) được hội tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 5 triệu đồng để chăn nuôi heo. Vốn là một công nhân của Nông trường Cao su Nhà Nai, ngoài thời gian làm việc ở nông trường, chị Thanh tranh thủ kết hợp chăn nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ được hỗ trợ, tạo điều kiện, mô hình nuôi heo đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, quy mô đàn heo của chị đã lên hơn 100 con heo thịt và heo nái, sau khi trừ chi phí thu nhập hàng năm đạt hơn 50 triệu đồng. Tiếp đó, chị tiếp tục chăn nuôi gà và đào ao thả cá. Sau một thời gian làm kinh tế gia đình thuận lợi, chị đã mua thêm được 1 ha cao su. Cuộc sống gia đình chị đã nâng lên rõ rệt. Chị vừa mới xây một căn nhà mới khang trang. Các con của chị đều được học hành và có công việc ổn định. Không chỉ vươn lên làm giàu, với điều kiện của mình, chị còn chia sẻ khó khăn, hỗ trợ một số hội viên về vốn không tính lãi, mỗi người từ 10 - 20 triệu đồng để chị em vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Lý, hội viên ở ấp 1, xã Thường Tân, thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2002, chị được hội hỗ trợ để vay 20 triệu đồng đầu tư nuôi heo nái. Nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ ở địa phương, chị có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng vào chăn nuôi một cách hiệu quả. Ngoài ra, chị còn biết tận dụng các nguồn thức ăn tại chỗ, thực hiện tốt việc phòng chống và vệ sinh chuồng trại thường xuyên nên giảm được chi phí chăn nuôi và tránh được dịch bệnh. Sau một thời gian, từ một hộ nghèo, gia đình chị đã vươn lên khá giả từ việc nuôi heo. Khi cuộc sống đã ổn định, với ý chí quyết tâm làm giàu, chị đã học hỏi, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới, xây dựng mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp đầu tiên tại địa phương. Không phụ lòng người, mô hình trang trại của chị đã thành công mỹ mãn. Từ năm 2010 đến nay, thu nhập bình quân từ trang trại của gia đình chị luôn ở mức trên dưới 2 tỷ đồng/năm. Với mô hình này, chị còn giúp một số chị em hội viên trong xã có việc làm ổn định. Chị cũng đã vinh dự nhận được được danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương 3 năm liền.

 K.TUYẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên