Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Đa dạng các loại hình tập hợp hội viên

Cập nhật: 19-01-2018 | 08:23:48

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh hiện đang quản lý 32 loại hình câu lạc bộ (CLB) với 1.227 CLB, tổ, nhóm, gồm 28.730 thành viên. Các mô hình được xây dựng theo hướng “đối tượng nào, mô hình đó”, góp phần đa dạng hóa các loại hình tập hợp phụ nữ vào tổ chức hội; giúp chị em xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới giữa nam và nữ.

 Chị em phụ nữ xã Minh Hòa đóng góp quần áo tặng cho hội viên phụ nữ khó khăn tại làng Bè. Ảnh: T.THẢO

 Những mô hình hiệu quả

Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại tổ 7 (còn gọi là làng Bè) ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Làng Bè hôm nay vui hẳn. Một nhóm chị em phụ nữ đang lựa chọn những bộ quần áo mới. Một chị phụ nữ trong làng khoe: “Hội Phụ nữ xã đem quần áo vô tặng cho bà con trong làng”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây chính là mô hình “Đầm ấm yêu thương” trao tặng quần áo mới, cũ cho hội viên phụ nữ khó khăn tại làng Bè của Hội LHPN xã Minh Hòa. Chị Ngô Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Hòa, cho biết vài năm trở lại đây, đời sống của người dân làng Bè đã thay đổi hẳn. Mặc dù vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nghề cá nhưng không trôi lênh đênh theo những chiếc bè tạm bợ của lòng hồ; mà họ đã có cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Nhà xây cũng mọc lên ngày càng nhiều. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, làm sao để giúp chị em vươn lên là điều mà Hội LHPN xã luôn trăn trở.

Xuất phát từ thực tế đó, Hội LHPN xã Minh Hòa đã thực hiện mô hình “Đầm ấm yêu thương” trao tặng quần áo mới, cũ cho hội viên phụ nữ khó khăn tại làng Bè. Chị Ngô Thị Mỹ Châu, vui mừng cho biết: “Trong ngày ra mắt mô hình, 20 chị em hội viên phụ nữ của Hội LHPN xã đã vận động được 2.000 bộ quần áo trao tặng lại cho hội viên phụ nữ khó khăn của làng Bè. Ngày Tết Mậu Tuất 2018 đang đến gần, mô hình “Đầm ấm yêu thương” sẽ góp phần san sẻ yêu thương đến các chị em hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn qua những trang phục tươm tất, ấm áp. Ngoài mô hình này, tại các cơ sở hội ở các địa phương trong tỉnh còn rất nhiều mô hình hiệu quả như “Siêu thị 0 đồng” của Hội LHPN phường Vĩnh Phú (TX.Thuận An), “Tổ phụ nữ thu gom phế liệu” của Hội LHPN xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng), hay mô hình “Nuôi heo đất” tiết kiệm để giảm nghèo và mua bảo hiểm y tế cho cán bộ, hội viên phụ nữ của Hội LHPN huyện Phú Giáo…

Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động hội

Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động hội”, những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực đa dạng hóa các mô hình tập hợp hội viên theo nhu cầu, sở thích, lứa tuổi theo hướng “đối tượng nào, mô hình đó”. Hiện Hội LHPN tỉnh đang quản lý 32 loại hình câu lạc bộ (CLB) với 1.227 CLB, tổ, nhóm gồm 28.730 thành viên. Tất cả các loại hình CLB, tổ, nhóm được thành lập đều bầu ra Ban chủ nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm từng thành viên. Ban chủ nhiệm có nhiệm vụ điều hành sinh hoạt CLB. Nội dung, hình thức sinh hoạt dựa vào tình hình thực tế, nhu cầu của chị em phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, qua khảo sát, đánh giá cho thấy, hoạt động của các mô hình đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của chị em và mục đích của hội đề ra. Các mô hình đã góp phần đa dạng hóa các loại hình tập hợp phụ nữ vào tổ chức hội; giúp chị em xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới giữa nam và nữ. Thông qua hoạt động của các mô hình do hội thành lập đã góp phần làm cho hoạt động của hội thêm phong phú và đa dạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn, bảo đảm an sinh xã hội

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên