Hội nghị trực tuyến đại biểu quốc hội chuyên trách: Đề nghị thống nhất tên gọi “Tổng Công đoàn Việt Nam”

Cập nhật: 10-01-2012 | 00:00:00

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn năm 1990, song các đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn chủ trương không hành chính hóa tổ chức và hoạt động công đoàn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp và công đoàn tại các doanh nghiệp. Dự thảo luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lao động là người nước ngoài ở Việt Nam. Vì thực tế, với xu thế hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng nên cần được tổ chức công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Đa số ý kiến đề nghị bỏ điều 6 của dự thảo luật về quy định từ 20 lao động trở lên được thành lập công đoàn cơ sở, vì hiện nay số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ có dưới 20 lao động, chiếm tới trên 80% tổng số doanh nghiệp. Do đó, nếu quy định theo điều 6 của dự thảo luật là không phù hợp với thực tiễn và trái với nguyên tắc tự nguyện thành lập tổ chức công đoàn.

Các đại biểu khẳng định để công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm này cần nghiên cứu giải quyết đồng bộ mối quan hệ giữa người sử dụng lao động, người lao động và công đoàn. Đây cũng chính là điều kiện bảo đảm cho công đoàn thực hiện được chức năng chính là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Về tên gọi của tổ chức công đoàn hiện nay chưa thống nhất là một thực tế được nhiều đại biểu tham dự hội nghị quan tâm. Các đại biểu đề xuất: Nên thống nhất lại tên gọi của tổ chức công đoàn ở Trung ương là Tổng Công đoàn Việt Nam; ở các địa phương là Công đoàn tỉnh (thành phố).

TR.DŨNG - T.S

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên